Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết buộc Israel dừng hoạt động chiến sự ở Rafah, ông Nawaf Salam, Chủ tịch ICJ tuyên bố tại một cuộc họp hôm 24/5.

“Tương ứng với các nghĩa vụ theo Công ước về ngăn chặn và trừng phạt tội diệt chủng, xét đến điều kiện sống ngày càng tồi tệ ở Rafah, Israel phải chấm dứt lập tức mọi cuộc tấn công quân sự và hoạt động khác ở Rafah có thể dẫn đến tàn phá điều kiện sống và hủy hoại vật chất của người dân Palestine.”, ông Salam tuyên bố khi đọc quyết định về biện pháp mới chống Israel theo yêu cầu của Cộng hòa Nam Phi.

Ông Salam nói, tòa án coi tình hình nhân đạo ở Rafah là “thảm họa”, đồng thời cho biết các quan chức LHQ đã chỉ ra rằng, tình hình sẽ tồi tệ thêm nếu hoạt động quân sự của Israel ở Rafah tiếp tục.

leftcenterrightdel
 Tình cảnh người dân Palestine ở Rafah, miền Nam Gaza, sau cuộc không kích của Israel, ngày 22/5. Ảnh: AFP.

Ngay sau phán quyết của ICJ, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố  hoan nghênh quyết định của Tòa án.

Tuyên bố nói, Ankara hy vọng Israel sẽ ngay lập tức tuân thủ mọi quyết định của tòa án hàng đầu thế giới.

Với lưu ý rằng, không có quốc gia nào được phép đứng trên luật pháp, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo rằng các phán quyết của ICJ được thực thi.

Israel bắt đầu một cuộc tấn công hạn chế trên bộ ở Rafah vào ngày 7/5, bất chấp phản đối từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả đồng minh thân thiết của Tel Aviv là Mỹ, nhằm triệt hạ hoàn hoàn Hamas.

Các cuộc tấn công đồng thời của Israel vào nhiều khu vực khác của Gaza trong tháng đã gây ra một cuộc di cư mới của hàng trăm nghìn người Palestine.

leftcenterrightdel
 Tòa án Công lý Quốc tế công bố phán quyết buộc Israel chấm dứt hoạt động quân sự ở Rafah. Ảnh: ICJ.

Khi tiến vào Rafah, quân đội Israel đã chiếm giữ cửa khẩu biên giới của thành phố  với Ai Cập, cắt đứt các tuyến đường tiếp cận chính để nhận viện trợ, làm tăng nguy cơ xảy ra nạn đói ở nam Gaza.

Tòa án cũng phán quyết buộc Israel mở cửa khẩu Rafah để phục vụ hoạt động hỗ trợ nhân đạo; cho biết họ nhận thấy việc sơ tán và điều kiện sống do Israel cung cấp là không đủ để giảm bớt rủi ro to lớn mà người dân Palestine phải đối mặt.

Các phán quyết của tòa án là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc, nhưng ICJ không có cơ chế để thực thi chúng.

Các luật sư của Nam Phi tuần trước đã yêu cầu ICJ áp dụng các biện pháp khẩn cấp, nói, các cuộc tấn công của Israel vào Rafah phải được dừng lại để đảm bảo sự sống còn của người dân Palestine.

leftcenterrightdel
 Chủ tọa phiên tòa Nawaf Salam (giữa) đọc phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan hôm 24/5.  Ảnh: Peter Dejong/AP.

Hamas cho biết họ hoan nghênh phán quyết của ICJ nhưng nhấn mạnh điều đó là chưa đủ bởi các hoạt động quân sự trên khắp Dải Gaza và đặc biệt là ở phía bắc dải đất cũng tàn bạo và nguy hiểm.

Trước đó, theo AFP, 13 quốc gia, bao gồm Australia, Anh, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Thụy Điển, đã gửi thư tới Israel phản đối hoạt động quân sự toàn diện của nước này tại thành phố Rafah ở Dải Gaza.

“Chúng tôi xác nhận sự không đồng tình của chúng tôi với hoạt động quân sự toàn diện ở Rafah, điều này sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho dân thường.”, AFP trích dẫn nội dung bức thư được ký bởi Ngoại trưởng 13 nước.

leftcenterrightdel
 Đại sứ Cộng hòa Nam Phi tại Hà Lan, Vusimuzi Madonsela, tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan vào 24/5. Ảnh: Peter Dejong/AP.

Trong thư, các nước kêu gọi Israel khôi phục nguồn cung cấp nước, điện và hoạt động viễn thông ở Dải Gaza, cũng như đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo ở đó thông qua tất cả các cửa khẩu biên giới, bao gồm cả Rafah.

Trước đó, hôm 20/5  Công tố viên trưởng của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), Karim Khan, cho biết ông đang xin lệnh bắt giữ  Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và 3 thủ lĩnh Hamas là Yehia Sinwar, Mohammed Deif và Ismail Haniyeh , với cáo buộc tội ác chiến tranh liên quan đến cuộc xung đột kéo dài hơn 7 tháng qua.

Theo ICC, những người này phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Dải Gaza và Israel.

Công tố viên phải xin lệnh từ một hội đồng trước phiên xét xử gồm ba thẩm phán, những người này mất trung bình hai tháng để xem xét bằng chứng và xác định xem liệu thủ tục tố tụng có thể được tiếp tục hay không.

Văn Phong