Hôm 15/5, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Israel chấm dứt hoạt động quân sự tại Rafah, thành phố cực nam Gaza, ngay lập tức.

Tuyên bố được người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đưa ra, đồng thời cảnh báo, việc không chấm dứt hoạt động quân sự ở Rafah sẽ làm suy yếu mối quan hệ với khối này.

“Liên minh châu Âu kêu gọi Israel kiềm chế không làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Gaza và mở lại cửa khẩu Rafah. Nếu Israel tiếp tục hoạt động quân sự ở Rafah, điều đó chắc chắn sẽ gây căng thẳng nghiêm trọng cho mối quan hệ của EU với Israel.”, ông Borrell tuyên bố.

Nhà ngoại giao EU cho biết, cuộc tấn công Rafah càng làm ách tắc hoạt động phân phối hàng viện trợ nhân đạo ở Gaza và đang gây ra làn sóng di tản, dẫn đến nạn đói và đau khổ cho con người.

leftcenterrightdel
 Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell. Nguồn: @JosepBorrellF.
leftcenterrightdel
 Một cột khói bốc lên trong cuộc oanh tạc của Israel vào Jabalia, phía bắc Dải Gaza hôm 14/5 (AFP)

“Trong khi EU công nhận quyền tự vệ của Israel, Israel phải hành động phù hợp với Luật Nhân đạo Quốc tế và đảm bảo an toàn cho dân thường.”, tuyên bố nêu rõ; đồng thời kêu gọi tất cả các bên tăng cường nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị bắt giữ.

EU, nhà viện trợ chính cho các vùng lãnh thổ Palestine và là đối tác thương mại lớn nhất của Israel, cho biết, hơn 1 triệu người trong và xung quanh Rafah đã được Israel yêu cầu sơ tán khỏi khu vực này đến các khu vực khác mà LHQ cho rằng không thể đảm bảo là an toàn.

Ngày 14/5, xe tăng của Israel tiến sâu hơn vào các khu dân cư phía đông Rafah, nơi có hơn một triệu người đang trú ẩn, gây lo ngại về thương vong dân sự.

Giao tranh trên khắp Dải Gaza cũng đã gia tăng trong những ngày gần đây, bao gồm cả ở phía bắc dải đất, khi quân đội Israel quay trở lại các khu vực mà họ tuyên bố đã tiêu diệt Hamas vài tháng trước.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Israel hoạt động cạnh trụ sở UNRWA ở Dải Gaza ngày 8/2. Ảnh: Dylan Martinez/ Reuters.
leftcenterrightdel
 Sinh viên  Đại học Melbourne, Úc biểu tình ngồi ủng hộ Palestine. Ảnh: Martin Keep/AFP.

Israel cho biết các hoạt động này nhằm ngăn chặn Hamas củng cố lực lượng.

Các đồng minh chính của Israel, Mỹ và EU, cũng như LHQ, đều đã cảnh báo Israel không tiến hành một chiến dịch lớn ở Rafah, cho rằng nó sẽ làm tăng thêm thương vong cho dân thường; trong khi Israel nói, Rafah có 4 tiểu đoàn Hamas đang ẩn náu.

Trong một diễn biến khác, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cho biết, sẽ tổ chức các phiên điều trần vào ngày 16/5 và 17/5 để thảo luận về yêu cầu của Nam Phi nhằm tìm kiếm các biện pháp khẩn cấp mới đối với cuộc xâm nhập vào Rafah, mà Qatar cho rằng đã cản trở các nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Yêu cầu của Nam Phi là một phần trong vụ kiện chống lại Israel, cáo buộc nước này vi phạm công ước diệt chủng, điều mà Israel gọi là vô căn cứ. ICJ cho biết Israel sẽ đưa ra quan điểm của mình về kiến nghị mới nhất vào ngày 17/4.

leftcenterrightdel
 Một phụ nữ Palestine bước xuống cầu thang của ngôi nhà bị Israel tấn công ở Rafah, ngày 9/5. Ảnh: Reuters.
leftcenterrightdel
Nhiều người Palestine thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel ngày 14/5, tại Deir el-Balah, miền Trung Gaza. Ảnh: Jehad Alshrafi/Anadolu.

Giới chức cấp cao Israel từng tuyên bố sẽ tấn công Rafah ngay cả khi không có sự hỗ trợ của đồng minh, nói rằng chiến dịch này là cần thiết để tiêu diệt tận gốc các chiến binh Hamas.

Israel đã ban hành lệnh di tản để người dân Palestine di chuyển khỏi các vùng phía đông Rafah một tuần trước.

Người dân đang di chuyển đến những vùng đất như Al-Mawasi, một dải cát giáp bờ biển mà các cơ quan viện trợ cho rằng thiếu vệ sinh và các cơ sở khác để tiếp đón dòng người di tản khổng lồ.

Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ước tính khoảng 450.000 người đã tháo chạy khỏi Rafah kể từ ngày 6/5, cảnh báo “không nơi nào an toàn” tại Gaza.

LHQ cho biết, chiến tranh đã đẩy phần lớn dân số Gaza đến bờ vực nạn đói và tàn phá các cơ sở y tế, nơi các bệnh viện tê liệt hoặc đang cạn kiệt nhiên liệu cho máy phát điện và các vật tư thiết yếu khác.

Văn Phong/Aljazeera, Alarabiya, Reuters