Trong một cuộc họp báo ngày 22/5, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere tuyên bố, nước này sẽ công nhận Palestine là nhà nước độc lập vào ngày 28/5.
“Giữa cuộc chiến, với hàng chục nghìn người chết và bị thương, chúng ta phải giữ cho điều duy nhất có thể mang lại ngôi nhà an toàn cho cả người Israel và người Palestine tồn tại: hai quốc gia có thể chung sống hòa bình với nhau.”, ông Stoere nói.
Trong một thông điệp video sau đó, Thủ tướng Ireland, Simon Harris cũng đưa ra tuyên bố nói, Dublin cũng sẽ công nhận nhà nước Palestine.
“Hôm nay, Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha tuyên bố rằng chúng tôi sẽ công nhận nhà nước Palestine. Trước thông báo ngày hôm nay, tôi đã nói chuyện với một số nhà lãnh đạo và tôi tin tưởng rằng nhiều quốc gia khác sẽ cùng chúng tôi thực hiện bước quan trọng này trong những tuần tới.”, ông Harris tuyên bố, nhấn mạnh, giải pháp hai nhà nước là con đường đáng tin cậy duy nhất dẫn đến hòa bình và an ninh cho cả Israel, Palestine và người dân của họ.
|
|
Tuyên bố của Thủ tướng Ireland, Simon Harris. Ảnh cắt từ video, nguồn: @SimonHarrisTD. |
Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin tiết lộ, nước này sẽ chính thức công nhận Palestine vào ngày 28/5.
Cùng ngày, tuyên bố của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói, Madrid cũng sẽ công nhận nhà nước Palestine vào ngày 28/5.
“Đáp lại ý nguyện của đa số người dân Tây Ban Nha, ngày 28/5 tới, Tây Ban Nha sẽ thông qua việc công nhận nhà nước Palestine tại Hội đồng Bộ trưởng.”, ông Sanchez nói, nhấn mạnh, đã đến lúc biến lời nói thành hành động, vì hòa bình và công lý.
|
|
Tuyên bố của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez/ @sanchezcastejon. |
Trước các thông báo của các quốc gia châu Âu, khoảng 143 trong số 193 quốc gia thành viên của LHQ đã công nhận nhà nước Palestine. Thụy Điển, đã công nhận nhà nước Palestine cách đây một thập kỷ.
Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác là Slovenia và Malta trong những tuần gần đây cũng cho biết họ có kế hoạch công nhận nhà nước Palestine, cho rằng, giải pháp hai nhà nước là điều cần thiết cho hòa bình lâu dài trong khu vực.
|
|
Quốc kỳ Palestine và Ireland đứng cạnh nhau. Ảnh: Reuters. |
Các động thái này diễn ra trong bối cảnh lực lượng Israel đang tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Rafah, cực nam dải Gaza, nơi có khoảng hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn, điều mà cộng đồng quốc tế và nhiều đồng minh của Israel phản đối, cho rằng nó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, cũng như gây thêm thương vong cho dân thường.
Na Uy, quốc gia chưa phải là một thành viên của EU, một đồng minh thân cận của Mỹ, từ lâu đã tuyên bố sẽ chỉ công nhận Palestine là một quốc gia độc lập nếu điều đó có thể có tác động tích cực đến tiến trình hòa bình, phù hợp với những gì Mỹ đã tuyên bố về vấn đề này.
Trong những thập kỷ gần đây, quốc gia Bắc Âu cũng đã nhiều lần tìm cách giúp môi giới hòa bình giữa Israel và Palestine.
|
|
Cờ Palestine được nhìn thấy bên ngoài Tòa thị chính Oslo, Na Uy, ngày 29/11/2023. Ảnh: Reuters. |
Ngay sau tuyên bố của các nước, cùng ngày, Ngoại trưởng Israel, Israel Katz, cho biết, đã lệnh cho các đại sứ Israel từ Ireland và Na Uy ngay lập tức về nước để “tham vấn khẩn cấp”.
“Hôm nay, tôi gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ireland và Na Uy: Israel sẽ không bỏ qua vấn đề này trong im lặng. Tôi vừa lệnh cho các đại sứ Israel từ Dublin và Oslo về nước để tham vấn. Những bước đi vội vàng của hai nước sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng thêm... Nếu Tây Ban Nha thực hiện ý định công nhận nhà nước Palestine, chúng tôi sẽ có những bước tương tự.”, Ngoại trưởng Katz tuyên bố.
Israel cho rằng sự công nhận từ các quốc gia châu Âu là bước đi "lệch lạc", sẽ “thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan và bất ổn” và biến họ trở thành “con tốt trong tay Hamas”.