Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Haberturk hôm 7/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Washington đã đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ trao quyền kiểm soát hệ thống tên lửa S-400 mà nước này mua của Nga cho Mỹ hoặc một quốc gia khác, như Ukraine, khi nước này đang nỗ lực chống lại các lực lượng Nga.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ không nói chi tiết về thời điểm đề xuất được đưa ra.
“Mỹ yêu cầu chúng tôi gửi S-400 tới Ukraine và chúng tôi đã từ chối.”, ông Cavusoglu nói, giải thích, những đề xuất như vậy là không thể chấp nhận được vì chúng xâm phạm quyền độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần giải thích việc nước này mua S-400 là vì an ninh quốc gia và không quốc gia nào khác có quyền can thiệp vào việc này.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2017, khi những nỗ lực kéo dài để mua hệ thống phòng không từ Mỹ không có kết quả, Ankara đã ký hợp đồng với Nga để mua trung đoàn S-400 và đã được Nga giao hàng vào mùa Thu 2019, bất chấp những phản đối từ Mỹ.
|
|
Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ lô S-400 tại sân bay quân sự Murted ở Ankara, ngày 12/7/2019. Ảnh: AP. |
Nhiều năm qua Mỹ duy trì lập trường cứng rắn đối với thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nó sẽ không tương thích với các hệ thống của NATO và nguy cơ làm rò rỉ dữ liệu các hệ thống vũ khí của NATO, từ đó yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ để mua Patriot, nhưng Ankara không đồng ý.
Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh S-400 sẽ không được tích hợp vào các hệ thống của NATO và không gây ra mối đe dọa nào đối với liên minh quân sự, cũng như vũ khí của họ. Ankara đã nhiều lần đề xuất thành lập một ủy ban để làm rõ vấn đề.
Để trả đũa, Washington đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 với tư cách nhà thầu cung cấp linh kiện, cũng như từ chối chuyển giao hơn 100 máy bay F-35 đã hợp đồng với Ankara, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo tổ hợp công nghiệp quân sự theo luật CAATSA (Chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt).
|
|
Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm S-400 tháng 10/2020 bên bờ Biển Đen. Ảnh: c4defence. |
Khi được hỏi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình F-35, ông Cavusoglu cho biết Ankara không muốn quay lại chương trình mà muốn nhận lại tiền đặt cọc mua F-35 từ Washington, khi các máy bay chưa bao giờ được giao.
Ngoại trưởng Cavusoglu giải thích hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang sản xuất máy bay chiến đấu quốc gia của riêng mình, đồng thời cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và các cơ chế cần thiết đã được thiết lập.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng kỳ vọng mua 40 máy bay phản lực F-16 mới cùng 80 bộ thiết bị hiện đại hóa phi đội F-16 lỗi thời của nước này từ Mỹ, yêu cầu vốn được đưa ra từ tháng 10/2021, tuy vậy không được Washington đáp ứng nhanh như mong muốn.
Liên quan đến S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2020, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ John Thune, đã đề xuất điều khoản sửa đổi trong dự thảo Luật Ngân sách quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2021 cho phép mua lại hệ thống phòng không S-400 mà Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, từ nguồn ngân sách quân đội.
Đầu năm 2022, Mỹ cũng đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao S-400 cho Ukraine, trong nỗ lực giúp đồng minh Kyiv đối phó với cuộc chiến của Nga, cũng như để cải thiện quan hệ Washington- Ankara, vốn 'nổi sóng' từ vài năm qua.
Tuy nhiên Nga cảnh báo điều đó là không thể, bởi những điều kiện ràng buộc trong hợp đồng giữa Moscow và Ankara.