Ngày 14/12, ngay sau khi Mỹ đưa ra quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thương vụ S-400 với Nga, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lập tức "lên án và bác bỏ" quyết định này, cảnh báo Ankara sẽ "thực hiện các bước cần thiết để chống lại quyết định này, điều chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ hai nước. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ thực hiện các quyền mà họ cho là cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia của mình.
Trước đó, trong khi công bố các biện pháp trừng phạt liên quan đến S-400 của Ankara, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đảm bảo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, họ vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng, nước này sẽ thực hiện các bước để giải quyết bất đồng, bằng cách loại bỏ S-400.
|
|
Hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Ảnh: AFP/Getty. |
“Tôi cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề S-400 ngay lập tức với sự phối hợp của Hoa Kỳ.”, ông Pompeo nói trong một tuyên bố.
Ông Pompeo nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ đã được cảnh báo nhiều lần "ở cấp cao nhất" rằng "việc mua hệ thống S-400 sẽ gây nguy hiểm cho an ninh công nghệ quân sự Mỹ và cung cấp ngân khoản đáng kể cho lĩnh vực quốc phòng của Nga, cũng như việc Nga tiếp cận các lực lượng vũ trang và công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ".
|
|
Tháng 8/2019, Thổ Nhì Kỳ nhận lô hàng S-400 đầu tiên từ Nga. Ảnh: BQP Thổ Nhĩ Kỳ/Reuters. |
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết tâm mua và thử nghiệm S-400 bất chấp các hệ thống thay thế, tương thích của NATO sẵn có, điều dẫn tới Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35.
Trước động thái của Mỹ đối với Ankara, cuối ngày 14/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ không ngạc nhiên trước lệnh trừng phạt của Mỹ, gọi đó là thái độ ngạo mạn đối với luật pháp quốc tế, một ví dụ của các biện pháp cưỡng chế đơn phương, phi pháp mà Hoa Kỳ đã sử dụng lâu nay.