Sau cuộc gặp gần đây với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Ankara sẽ không thay đổi lập trường liên quan đến việc sử dụng hệ thống tên lửa S-400 đã mua của Nga.
“Tôi đã nói với ông Biden rằng, họ không nên mong đợi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một bước đi khác trong vấn đề F-35 và S-400 bởi vì chúng tôi đã làm những gì chúng tôi phải làm đối với F-35.”, ông Erdogan nói với báo chí ở Baku khi đang ở thăm Azerbaijan.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau hôm 14/6 nhân hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels.
|
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào ngày 14/6. Ảnh: Murat Cetinmuhurdar / Handout/ Reuters. |
Mỹ đã loại Ankara ra khỏi chương trình phát triển máy bay F-35 trị giá 399 tỉ USD sau khi nước này mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga với giá 2,5 tỉ USD. Các lệnh trừng phạt của Washington đối với Ankara theo Luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA) đã được áp dụng vào tháng 12/2020. Washington cho rằng hệ thống S-400 sẽ cho phép Nga bí mật thu thập các thông tin mật về máy bay phản lực F-35, mặt khác nó không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định S-400 sẽ không được tích hợp vào các hệ thống của NATO và sẽ không gây ra mối đe dọa cho liên minh. Lập luận của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khi 3 thành viên NATO khác là Hy Lạp, Slovakia và Bulgaria đang sở hữu các hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất.
|
|
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 Triumph của Nga. Ảnh: Vitaly Nevar / Reuters. |
Mỹ cũng như NATO nhiều lần hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ có phương án thay thế hệ thống S-400, kể cả phương án Ankara “sang tay” S-400 cho Mỹ, đồng thời cảnh báo những hậu quả mà Ankara phải gánh chịu, tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra không hề nao núng.
Chính quyền Biden được cho là đã tiếp tục các nỗ lực để cố gắng đưa Thổ Nhĩ Kỳ đảo ngược quyết định, tuy nhiên, gần đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu dứt khoát với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken rằng, việc mua S-400 là “việc đã rồi”.
Ứng cử viên Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết tại phiên điều trần tại Thượng viện vào cuối tháng 5 rằng, Mỹ sẽ thúc đẩy việc chấm dứt vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cung cấp linh kiện cho máy bay chiến đấu F-35 vào năm 2022.
Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất 817 trong số khoảng 24.000 bộ phận khung máy bay và 188 trong số khoảng 3.000 chi tiết động cơ của F-35.