|
|
14 cá thể rái cá vuốt bé quý hiếm bị nuôi nhốt trái phép. Ảnh: CTTHP. |
Trước đó, ngày 5/6/2019, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - Công an thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thành phố Hải Phòng và Công an phường Vĩnh Niệm phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 14A-32207 do đối tượng Nguyễn Văn Giáp (SN 1984, trú tại phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển đang vận chuyển trái phép 8 cá thể cao cát Phương Đông, được thuê chở từ thành phố Hải Phòng đi Móng Cái.
Từ lời khai của đối tượng Nguyễn Văn Giáp, lực lượng chức năng đã tiếp tục khám xét đột xuất một căn nhà tại phường Vĩnh Niệm, thành phố Hải Phòng và phát hiện đối tượng Nguyễn Duy Thành và một số đối tượng khác đang có hành vi nuôi, nhốt 46 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm bao gồm: 14 cá thể rái cá vuốt bé, 9 cá thể niệc mỏ vằn, 8 cá thể hồng hoàng, 4 cá thể vẹt, 1 cá thể mèo rừng và 10 cá thể quắm đen.
Toàn bộ số lượng cá thể động vật hoang dã bị nuôi nhốt trái phép sau đó đã được tịch thu và chuyển giao đến Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.
Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng do đối tượng đã xâm phạm tới số lượng lớn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm như rái cá vuốt bé, hồng hoàng và niệc mỏ vằn - các loài được liệt kê trong Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) - cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hành vi của đối tượng Nguyễn Duy Thành đã đáp ứng đầy đủ dấu hiệu định tội theo quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt lên đến 15 năm tù.
Trao đổi với báo chí, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng, bản án 11 năm tù dành cho đối tượng Nguyễn Duy Thành đã thể hiện tinh thần “không khoan nhượng” với tội phạm về động vật hoang dã của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hải Phòng, đáp ứng được mục tiêu răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã.
Theo quan điểm của ENV, với lợi nhuận bất chính đặc biệt lớn từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, khi và chỉ khi tội phạm về động vật hoang dã bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, khiến các đối tượng nhận thức rõ rủi ro pháp lý từ hoạt động này cao hơn nhiều so với lợi nhuận thu được thì loại tội phạm này mới có thể dần bị loại bỏ khỏi xã hội.