VKSND tối cao vừa có công văn số 1824/VKSTC-C2 gửi VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình xử lý tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã (giai đoạn năm 2018 - 2019). Đồng thời, hướng dẫn lập Phiếu thống kê xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã.

Theo công văn số 1824/VKSTC-C2, tiếp tục triển khai chương trình hợp tác giữa WCS Việt Nam và VKSND tối cao, để có cơ sở xây dựng báo cáo đánh giá tình hình tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, VKSND tối cao yêu cầu VKSND dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu thập, báo cáo tình hình xử lý tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã (giai đoạn năm 2018 - 2019) và lập Phiếu thống kê theo các nội dung đã được xác định.   

Cụ thể, số liệu của từng năm (số liệu lấy từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 của năm báo cáo), gồm: Số liệu về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Số cũ; số mới; tổng số; số đã khởi tố; số không khởi tố; số tạm đình chỉ giải quyết; số chưa giải quyết).

Số liệu thụ lý, giải quyết vụ án hình sự, gồm: Số vụ, bị can khởi tố hình sự; số vụ, bị can bị truy tố; số vụ, bị can đình chỉ giải quyết (cả CQĐT, Viện kiểm sát và Tòa án); số vụ, bị cáo bị xét xử sơ thẩm; số vụ, bị cáo bị xét xử phúc thẩm; số vụ, đối tượng còn lại chưa giải quyết.

Đối với phần đánh giá và đề xuất: Đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bắt giữ, xử lý vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã; đánh giá tính hiệu quả (thuận lợi và khó khăn) trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) để xử lý các tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã so với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009).

Đề xuất các giải pháp, biện pháp nhằm giải quyết, xử lý triệt để đối với vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã.

leftcenterrightdel
Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ lô hàng thuộc danh mục các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
 

Bên cạnh đó, cùng với báo cáo, các đơn vị lập Phiếu thống kê xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo mẫu.

Theo đó, tại phần hướng dẫn chung, VKSND tối cao nêu rõ, một đối tượng bị xử lý thì lập 1 Phiếu thống kê, cùng một đối tượng nhưng bị xử lý ở 2 vụ án hoặc thời điểm khác nhau thì lập thành 2 Phiếu thống kê.

Về thời điểm lập phiếu: Chỉ lập Phiếu thống kê đối với những trường hợp bị khởi tố, giải quyết trong khoảng thời gian từ 1/1/2018 đến 31/12/2019, những trường hợp bị phát hiện bắt giữ trong khoảng thời gian này nhưng sau ngày 31/12/2019 mới khởi tố thì không thống kê.

Đối với những bị can đã bị khởi tố hoặc truy tố trước ngày 1/1/2018 nhưng đến sau ngày 1/1/2018 mới truy tố, xét xử thì vẫn lập phiếu. Những trường hợp đã xét xử sơ thẩm trước ngày 1/1/2018 nhưng sau ngày 1/1/2018 mới xét xử phúc thẩm thì chỉ cần thống kê vào Mục 1 (Thông tin về bị can, bị cáo) và phần Bản án hình sự phúc thẩm

Đối với những trường hợp đã bắt giữ tang vật và đã khởi tố vụ án hình sự nhưng chưa phát hiện được đối tượng vi phạm thì chỉ ghi quyết định khởi tố vụ án và thông tin ở Mục 2 (Thông tin về tang vật)

Đối với những vụ án, bị can đã khởi tố nhưng sau đó chuyển đi nơi khác để giải quyết theo thẩm quyền thì đơn vị nhận chuyển đến sẽ lập Phiếu thống kê.

Ngoài hướng dẫn chung trên, VKSND tối cao còn hướng dẫn việc lập Phiếu thống kê thông tin về bị can, bị cáo (là cá nhân; là pháp nhân; các thông tin khác); thông tin về tang vật; thông tin về cơ quan phát hiện bắt giữ; xử lý hành vi vi phạm.

VKSND tối cao yêu cầu, báo cáo đánh giá tình hình tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã và Phiếu thống kê gửi về VKSND tối cao (Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin - Cục 2) trước thứ Sáu, ngày 29/5/2020 (gửi thêm bản mềm theo địa chỉ thư điện tử: vp_c2@vks.gov.vn).

 Xem nội dung công văn, Hướng dẫn lập Phiếu thống kê và mẫu Phiếu tại đây: mau-phieu-thong-ke.dochuong-dan-phieu-thong-ke.doccong-van.doc

P.V