Thông điệp từ Nihon Hidankyo
Nihon Hidankyo- tổ chức, cũng là một phong trào của những nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản, được gọi là “Hibakusha”, đã nhận Giải Nobel Hòa bình năm nay tại một buổi lễ được tổ chức hôm 10/12 tại thủ đô Oslo của Na Uy.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nhiều cuộc xung đột đẫm máu diễn ra trên thế giới, làm dấy lên quan ngại về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1956, Nihon Hidankyo đã có nhiều hỗ trợ cho các nạn nhân bom nguyên tử, trong đó mỗi thành viên đã cống hiến đời mình cho cuộc đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Các thành viên của tổ chức cũng đã vận động cấm vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Họ đi khắp thế giới để nói về những trải nghiệm kinh hoàng và đau đớn của mình.
“Chúng tôi yêu cầu xóa bỏ ngay lập tức vũ khí hạt nhân, loại vũ khí giết người hàng loạt cực kì vô nhân đạo, không được phép cùng tồn tại với nhân loại.”, ông Tanaka Terumi, đồng Chủ tịch của Nihon Hidankyo, phát biểu tại lễ trao giải.
|
|
Ông Tomoyuki Mimaki (bên phải)- đồng Chủ tịch, đại diện Nihon Hidankyo nhận giải Nobel Hòa bình 2024, Oslo- Na Uy, ngày 10/12. Nguồn: NobelPrize. |
Ba trong số các đồng Chủ tịch của Nihon Hidankyo đã có mặt tại buổi lễ để nhận giải và giấy chứng nhận.
Một trong số đó có ông Terumi Tanaka, người mới 13 tuổi khi quả bom nguyên tử phát nổ ở quê hương Nagasaki của ông. Mặc dù bản thân không bị thương nặng, nhưng 5 người thân của ông đã thiệt mạng.
“Những cái chết mà tôi chứng kiến vào thời điểm đó khó có thể được mô tả là cái chết của con người. Có hàng trăm người đau đớn, không thể nhận được bất kì sự chăm sóc y tế nào. Tôi vô cùng mong mỏi rằng ngay cả trong chiến tranh, việc chết chóc và thương tật như vậy cũng không bao giờ được phép xảy ra.”, ông Tanaka nói, cho biết ông lo ngại điều sẽ xảy ra nếu vũ khí hạt nhân một lần nữa được sử dụng.
Ông nói nhiều đầu đạn có thể được sử dụng bất cứ lúc nào và gây ra hậu quả thảm khốc. Bởi vậy, ông một lần nữa kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân - thay vì dựa vào sự răn đe lẫn nhau.
Kết thúc bài phát biểu, ông Tanaka nói rằng: “Đừng để nhân loại tự hủy hoại chính mình bằng vũ khí hạt nhân! Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực vì một xã hội của loài người, trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chiến tranh!”.
|
|
30 thành viên tổ chức Nihon Hidankyo tham dự lễ trao giải. Nguồn: NobelPrize. |
Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hiroshima, địa điểm bị ném bom nguyên tử vào ngày 6/8/1945 khi Thế chiến II sắp kết thúc, đồng Chủ tịch Nihon Hidankyo, Toshiyuki Mimaki nói rằng, giải thưởng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những nỗ lực của nhóm nhằm chứng minh rằng việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân là điều khả thi.
“Việc được trao giải sẽ là một động lực to lớn để kêu gọi thế giới rằng việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân và hòa bình muôn đời là điều có thể đạt được. Cần phải loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.”, ông Mimaki nói.
Tính đến tháng 3, dữ liệu từ Bộ Y tế Nhật Bản, cho biết, có 106.825 người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử, với độ tuổi trung bình là 85,6.
Lí do Nihon Hidankyo được trao giải?
Ủy ban Nobel Na Uy mô tả, nhóm Nihon Hidankyo được trao Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ nhằm đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh bằng lời kể của nhân chứng rằng, vũ khí hạt nhân nhất định không bao giờ được phép đem ra sử dụng nữa.
|
|
Ông Terumi Takana- Đồng Chủ tịch Nihon Hidankyo phát biểu tại lễ trao giải. Nguồn: NobelPrize. |
“Những Hibakusha giúp chúng ta thấy được những điều không tả xiết, nghĩ đến những điều không thể tưởng tượng nổi và ở một mức độ nào đó hiểu được nỗi đau và sự khổ sở quá sức hình dung do vũ khí hạt nhân gây ra.”, lời giới thiệu của Ủy ban Nobel viết.
Giải thích lí do lựa chọn Nihon Hidankyo để trao giải năm nay, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, Joergen Watne Frydnes, cho biết, ông thấy rất đáng báo động là điều cấm kỵ về hạt nhân đang bị giảm đi vì có những lời đe dọa, không những thế, còn do tình hình trên thế giới, trong đó, các cường quốc hạt nhân đang hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí của họ; gọi đây là một kỉ nguyên hạt nhân mới.
“Nihon Hidankyo và Hibakusha, những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, chưa bao giờ chùn bước trong nỗ lực xây dựng bức tường đạo đức và pháp lí trên toàn thế giới chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”, ông Frydnes nói.
|
|
Khung cảnh hủy diệt của bom nguyên từ ném xuống Hiroshima Nhật Bản năm 1945. Nguồn: Galerie Bilderwelt/Getty. |
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy cảnh báo, các quốc gia có năng lực hạt nhân chớ tính đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử.
“Trong một thế giới đầy rẫy xung đột, và vũ khí hạt nhân chắc chắn là một phần của thế giới đó, chúng tôi muốn nêu bật tầm quan trọng của việc phải tăng cường xem hạt nhân là điều cấm kỵ, phải củng cố chuẩn mực quốc tế, chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”, ông Frydnes nói; nhấn mạnh, thế giới nên lắng nghe “những câu chuyện đau thương và bi thảm của các Hibakusha”.
“Những vũ khí này không bao giờ được phép sử dụng trở lại ở bất kì nơi nào trên thế giới... Chiến tranh hạt nhân có thể đồng nghĩa với sự kết thúc của nhân loại, kết thúc nền văn minh của chúng ta.”, ông cảnh báo khi trả lời phỏng vấn báo chí.