Truyền thông Nga tiết lộ, hồi đầu tháng này, quân đội nước này đã trang bị một loại vũ khí mới: tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm RSM-56 Bulava.

Được thiết kế để mang bởi các tàu ngầm hạt nhân lớp Borei, Bulava có thể mang theo trọng tải lên tới 1.150 kg, bao gồm nhiều đầu đạn độc lập, tầm bắn gần 1.000 km.

Tên lửa RSM-56 Bulava được nói là thành phần quan trọng nhất trong khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga và là nền tảng cho tiềm năng hạt nhân của hải quân.

Nhà phát triển tên lửa huyền thoại Nga, tổng công trình sư Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow (MITT), Yury Solomonov, xác nhận, tên lửa tàu ngầm Bulava đã được trang bị trong quân đội Nga.

“Vào ngày 7/5, sắc lệnh đã được ký kết về việc tiếp nhận tổ hợp tên lửa Bulava.”, ông Solomonov tiết lộ với báo giới.

Bulava là tên lửa nhiên liệu rắn ba tầng nặng 36,8 tấn với tầm bay ít nhất 9.300 km.

leftcenterrightdel
  Vụ phóng thử tên lửa Bulava đầu tháng 11/2023. Ảnh: BQP Nga/TASS.

Tên lửa có thể mang từ 6-10 đầu đạn hạt nhân cơ động siêu thanh với thiết bị dẫn đường riêng biệt, tổng trọng lượng 1,15 tấn, có khả năng thay đổi quỹ đạo bay theo độ cao và hướng bay, sức công phá từ 100- 150 kiloton mỗi đầu đạn.

Truyền thông Nga tiết lộ, tên lửa có thể triển khai tới 40 mục tiêu giả để trấn áp hệ thống phòng thủ chống tên lửa đối phương.

Đầu đạn có thể tách rời với các khối dẫn đường riêng lẻ tăng tốc lên tốc độ siêu thanh trong chuyến bay và có khả năng cơ động, khiến việc đánh chặn trở nên cực kỳ khó khăn.

Nguy cơ đối với kẻ thù tiềm năng càng trở nên trầm trọng hơn khi Bulava bố trí ở dưới biển trên các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Borei và Borei-A ẩn sâu trong các khu vực tuần tra bí mật, phóng tên lửa từ dưới nước, điều này khiến cho thực tế không thể tấn công phủ đầu và tiêu diệt trong tiến trình tấn công bất ngờ, từ đó đảm bảo khả năng phản công của Nga.

Mỗi tàu ngầm được thiết kế mang theo 16 tên lửa Bulava.

Quá trình phát triển Bulava bắt đầu vào năm 1998 sau khi tên lửa chiến lược R-39M Bark bị loại bỏ sau một loạt vụ thử nghiệm thất bại.

leftcenterrightdel
 Tàu ngầm Hoàng đế Aleksandr III được thiết kế mang tên lửa Bulava. Nguồn: Naval.com

Nhiệm vụ tạo ra tên lửa chiến lược mới được giao cho Solomonov, nhà phát triển tên lửa chiến lược hàng đầu của Nga, người cũng được biết đến là cha đẻ của loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol, Topol-M và Yars.

Quá trình phát triển, cho đến cuối năm 2022, đã có khoảng 40 vụ phóng thử Bulava được tiến hành.

Vào tháng 11/2023, trong khuôn khổ các cuộc thử nghiệm tàu ngầm mang tên lửa Hoàng đế Alexandr III, Bulava đã được phóng từ dưới nước.

Cuộc thử nghiệm được đánh giá đã thành công vang dội. Tên lửa chiến lược phóng từ Biển Trắng ở phía tây bắc nước Nga, đã bắn trúng mục tiêu tại bãi thử Kur ở Kamchatka, vùng Viễn Đông, cách xa hàng nghìn km.

Các tàu ngầm lớp Borei và tên lửa Bulava dự kiến sẽ tạo thành nền tảng cho thành phần hải quân trong bộ ba hạt nhân của Nga, giúp đảm bảo sự ngang bằng chiến lược với Mỹ cho đến nửa sau thế kỷ 21.

Ngoài Bulava, Hải quân Nga còn vận hành tên lửa Sineva, trang bị trên các tàu ngầm tên lửa chiến lược lớp Delphin và Kalmar.

Văn Phong/Sputnik