Chợ Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) là chợ dân sinh hạng 3 nhưng nhiều tháng qua hoạt động như chợ đầu mối, chợ hoạt động xuyên đêm khiến người dân sống gần khu vực chợ bức xúc, cuộc sống bị ảnh hưởng, đảo lộn.  

Cứ từ nửa đêm đến rạng sáng, chợ Tam Hiệp tấp nập, huyên náo hơn bao giờ hết, những chuyến xe tải vào “nhả hàng và ăn hàng” cùng tiếng mặc cả, trả giá giữa các tiểu thương khiến cả khu dân cư vốn yên bình, nhiều tháng nay bị phá vỡ.

leftcenterrightdel
 Chợ Tam Hiệp vẫn hoạt động xuyên đêm như chợ đầu mối. 

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, lãnh đạo UBND xã Tam Hiệp thừa nhận, chợ Tam Hiệp là chợ dân sinh nhưng từ tháng 6/2021, chợ Tam Hiệp hoạt động cả vào ban đêm.

Phía lãnh đạo UBND xã Tam Hiệp nói về lý do “ngó lơ” để đơn vị trúng thầu chợ Tam Hiệp - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Bình Minh quản lý, vận hành chợ Tam Hiệp xin cấp có thẩm quyền nâng cấp từ chợ dân sinh lên chợ đầu mối.

Để làm rõ việc chính quyền buông lỏng quản lý hay bao che, dung túng, thậm chí tiếp tay để Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Bình Minh vận hành, quản lý chợ Tam Hiệp như chợ đầu mối, dù chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép, phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Cường đề nghị phóng viên liên hệ với bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế - UBND huyện Thanh Trì.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh đã tiếp thu thông tin phóng viên phản ánh và cho biết, sẽ báo cáo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì. Đáng chú ý, văn bản trả lời của UBND huyện Thanh Trì gửi Báo Bảo vệ pháp luật đã né tránh, từ chối cung cấp nhiều thông tin cần làm rõ như phóng viên đề nghị. 

leftcenterrightdel
 Từ tháng 6/2021 đến nay, chợ Tam Hiệp hoạt động cả ngày đêm khiến người dân sống gần chợ bức xúc. 

Văn bản của UBND huyện Thanh Trì trả lời Báo Bảo vệ pháp luật do ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì ký cho biết: “Chợ Tam Hiệp được đầu tư xây dựng năm 2011 theo hình thức đấu thầu lựa chọn đơn vị bỏ vốn đầu tư xây dựng phần nổi và quản lý khai thác. Chợ nằm trong mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 5/11/2012.

Năm 2018, UBND TP Hà Nội phân hạng chợ Tam Hiệp là chợ hạng 3 (dưới 200 điểm kinh doanh) theo phân cấp do UBND xã Tam Hiệp quản lý.

Hiện tại, chợ có khoảng 150 hộ kinh doanh phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.

Ban Quản lý chợ đã xây dựng phương án hoạt động, nội quy chợ theo quy định và ký hợp đồng thu gom rác thải hàng ngày với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Thanh Trì”.

Văn bản trả lời của UBND huyện Thanh Trì cũng cho biết: “UBND huyện đã có Văn bản số 1100/UBND-KT ngày 8/6/2011 và Phòng Kinh tế có Văn bản số 300/KT ngày 29/9/2020 đôn đốc UBND xã Tam Hiệp tăng cường công tác quản lý nhà nước và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của chợ Tam Hiệp theo thẩm quyền cũng như đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị khu vực bên ngoài chợ”.

Điều khó hiểu và bất ngờ trước văn bản trả lời của UBND huyện Thanh Trì về việc “Ban Quản lý chợ đã xây dựng phương án hoạt động, nội quy chợ theo quy định”, nhưng thực tế, chợ này đang hoạt động như một chợ đầu mối khi chưa được Thành phố Hà Nội cấp phép. 

Đến đây, dư luận hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi: Có hay không việc UBND huyện Thanh Trì buông lỏng quản lý hay vẫn cố tình bao che cho doanh nghiệp trúng thầu trong việc vận hành, quản lý chợ Tam Hiệp trái quy định?. 

UBND huyện Thanh Trì và UBND xã Tam Hiệp đang đặt lợi ích người dân lên trên hết hay lợi ích doanh nghiệp trúng thầu chợ Tam Hiệp là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Bình Minh?. 

leftcenterrightdel
Clip Chợ Tam Hiệp hoạt động nhộn nhịp vào rạng sáng ngày 20/10. 

Rạng sáng ngày 20/10, nhóm phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật trở lại chợ Tam Hiệp sau nhiều bài phản ánh, bất ngờ chợ Tam Hiệp vẫn hoạt động ngang nhiên như chợ đầu mối. 

 

Nhóm Phóng viên