Xin trả lại Dự án 145ha

Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (còn gọi Tổng công ty 3-2, từng là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, nay đã cổ phần hóa với gần 40% cổ đông tư nhân) đã có nghị quyết về việc thống nhất chủ trương chuyển nhượng 30% cổ phần mà Tổng công ty này sở hữu tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tân Thành (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một).

Công ty Tân Thành là chủ đầu tư của dự án 145ha sân golf tại thành phố mới Bình Dương. Theo nghị quyết, Hội đồng quản trị Tổng Công ty 3-2 đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép và theo quy định pháp luật.

Trước đó, hai cổ đông khác của Công ty Tân Thành (công ty này gồm tổng cộng 3 cổ đông) là Công ty cổ phần Hưng Vượng (chiếm 38% cổ phần) và Công ty TNHH Phát Triển (chiếm 32% cổ phần) cũng đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và cơ quan chức năng đề nghị nhượng lại cổ phần tại Công ty Tân Thành cho doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý dự án Bình Dương (hiện 100% vốn thuộc Tỉnh ủy).

Giá chuyển nhượng theo giá trị sổ sách của khoản đầu tư. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp nhà nước có cơ hội sở hữu toàn bộ công ty chủ đầu tư của dự án sân golf 145ha với giá gốc, dù giá trị thực tế của dự án hiện đã cao hơn gấp nhiều lần.

leftcenterrightdel
 Hai khu “đất vàng” 43ha và 145ha nằm kế nhau, từng do doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý.

Vì sao các cổ đông chấp nhận "hy sinh" như vậy? Trong văn bản, đại diện Công ty Phát Triển cho biết là để khắc phục những sai sót trong quá trình công ty này mua cổ phần tại dự án 145ha.

Cụ thể, trước đó, đối tác Hàn Quốc góp không đủ vốn nhưng đã chuyển phần vốn cho Công ty Phát Triển là chưa phù hợp với hợp đồng liên doanh. Đồng thời, người đại diện theo pháp luật của Công ty Phát Triển là người có liên quan tới Tổng Công ty 3-2 nên thuộc đối tượng không được tham gia góp vốn.

Theo tìm hiểu, bà Nguyễn Thục Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phát Triển - là con gái của ông Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty 3-2).

Đối với các nhà đầu tư mua cổ phần của Tổng công ty 3-2 khi doanh nghiệp này cổ phần hóa thì không trực tiếp liên quan tới những sai phạm ở giai đoạn trước. Tuy nhiên, một nhà đầu tư cho biết, họ đồng ý nhượng lại 30% cổ phần tại dự án 145ha theo giá gốc là để hỗ trợ cơ quan chức năng giải quyết vụ việc, thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

Nộp tiền Dự án 43 ha, liệu có khắc phục được triệt để thất thoát?

Liên quan tới "Dự án 43ha" hiện đang được Bộ Công an mở rộng điều tra, bước đầu cơ quan điều tra xác định, sai phạm là do Tổng Công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất này sang cho Công ty Âu Lạc với giá 250 tỉ đồng, thấp hơn bảng giá đất theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương thời điểm chuyển nhượng năm 2016.

Đối với việc khắc phục hậu quả, cơ quan điều tra cho rằng, nếu chỉ so với bảng giá nhà nước thì các bị can đã gây thiệt hại hơn 126,8 tỉ đồng. Được biết, sau khi có ý kiến ban đầu của cơ quan điều tra, Tổng Công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc đã có hai đợt chuyển tiền khắc phục hậu quả với tổng số tiền trên 252 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Khu đất 43ha từng do doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý bị "thâu tóm" về tay tư nhân.

Cụ thể, cuối năm 2019, đã có hơn 125,6 tỉ đồng được Tổng công ty 3-2 nộp về tài khoản phong tỏa của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương. Tháng 4/2020, Công ty Âu Lạc (thông qua Tổng Công ty 3-2 nộp hộ) đã chi 126,8 tỉ đồng để nộp cho Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bình Dương nhằm khắc phục hậu quả.

Số tiền doanh nghiệp nộp để khắc phục chênh lệch với giao dịch của "dự án 43ha" đã được Văn phòng Tỉnh ủy chuyển về Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an và báo cáo cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, thực chất, không thể xác định thiệt hại theo giá Nhà nước. Nếu Tổng Công ty 3-2 vẫn còn vốn góp của Nhà nước, thì không thể dùng tiền của Nhà nước để khắc phục thiệt hại cho Nhà nước. Bên cạnh đó, không có thông tin nào từ Công ty Kim Oanh về việc sẽ hoàn trả lại toàn bộ cổ phần Công ty Tân Thành hoặc hoàn trả khu đất cho Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Các lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020 (từ trái qua): ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực;  ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh.

Đất của Nhà nước, vốn góp của Nhà nước khi chuyển nhượng phải thông qua định giá, đấu giá chứ không thể xác định theo bảng giá đất của Nhà nước. Với giá đất thị trường hàng chục triệu đồng/m2 thì giá trị thực của khu đất 43 ha lên đến hàng ngàn tỉ đồng, chứ không phải hơn 375 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, bản chất vụ án là 43 ha đất, tài sản công đã bị phù phép chuyển sang cho tư nhân, đích cuối  là Công ty Kim Oanh. Biện pháp khắc phục hậu quả triệt để nhất là thu hồi lại khu đất. Các cá nhân sai phạm tiếp tục chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh. Không thể chấp nhận việc nộp tiền chênh lệch so với giá Nhà nước quy định để khắc phục hậu quả mà bỏ qua việc thu hồi lại khu đất.

Đồng thời, cũng không thể bỏ qua các dấu hiệu sai phạm của Công ty Kim Oanh khi động thổ, huy động vốn của khách hàng liên quan đến dự án Khu đô thị Tân Phú khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy phép xây dựng, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để mở bán. Công ty Kim Oanh phải tự chịu trách nhiệm về các sai phạm của mình, với những nhà đầu tư. Không thể dùng quyền lợi của các nhà đầu tư để gây khó khăn cho quá trình thu hồi đất.

Ngày 18/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 và một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2016-2021 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo... để một số tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm tại Tổng công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3-2) thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Bộ Chính trị báo cáo và đề nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam, Bí thư tỉnh Bình Dương.

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Phạm Văn Cành (Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy) và Trần Thanh Liêm (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương); cách chức tất cả chức vụ trong Đảng các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, 2020-2025 đối với ông Nguyễn Thanh Trúc (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và Trần Xuân Lâm (Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương)

 

Nhóm PV