Thống kê Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương cho thấy 5 tháng đầu năm 2021 thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh vẫn đạt những kết quả khả quan. Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến ngày 15/5/2021, Bình Dương đã thu hút 1 tỉ 252 triệu đô la Mỹ vốn FDI, bằng 159% so với cùng kỳ năm 2020. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 1 tỉ 163 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, bằng 198% so với cùng kỳ, chiếm 92,9% tổng vốn đầu tư đăng ký toàn tỉnh. Bên ngoài các khu công nghiệp thu hút 88,7 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 7,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đạt 964 triệu đô la Mỹ, chiếm 77% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn 229,4 triệu đô la Mỹ, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, vận tải, xây dựng.
|
|
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài. |
Có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương. Trong đó Đài Loan đứng đầu với tổng vốn đầu tư là 640,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 244,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư, Samoa đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư là 101 triệu đô la Mỹ.
Một số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh có vốn đầu tư đăng ký lớn như: Dự án sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình của Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore), vốn đầu tư 185 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Phú Tân; Dự án Trung tâm Logistics ECPVN Bình Dương 2 của Công ty Emergent Việt Nam Logisticc Development Pte (Singapore), vốn đầu tư 34,4 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B; Dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1 tỉ 370 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Bàu Bàng; Dự án Nhà máy sản xuất Giấy của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper, vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 100 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1 tỉ 100 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Quốc tế Protrade; Dự án Nhà máy sản xuất dao cạo râu của Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương, vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 44,8 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 247,8 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Đồng An.
Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 36,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.
|
|
Một trong những khu Công nghiệp phát triển của tỉnh Bình Dương thu hút nguồn vốn FDI khủng. |
Trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đồng thời với tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang có xu hướng tái cơ cấu chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư để tránh phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác và tìm kiếm các địa điểm đầu tư mới an toàn và hiệu quả hơn. Nắm bắt cơ hội trên, trong những tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán các nước tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức các Hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư với các quốc gia như Nhật Bản, Bỉ, Ý, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... với sự tham dự đông đảo của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn các nước.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, để tạo sự phát triển cho nền kinh tế, Bình Dương đang tập trung nguồn lực để phối hợp thúc đẩy, khép kín các đoạn của vành đai 3, 4 đi qua địa bàn tỉnh, tháo gỡ các điểm ùn tắc cho các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn bằng cả biện pháp trước mắt về điều tiết giao thông và biện pháp căn cơ, lâu dài là mở rộng đường, làm các cầu vượt, hầm chui tại các nút giao lớn, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, người dân được thuận lợi.
|
|
Một công ty có vốn FDI trên địa bàn tỉnh Bình Dương. |
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, Bình dương xây dựng Vùng Đổi mới sáng tạo được phát triển sẽ kiến tạo một hệ sinh thái thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút các dự án đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao, từng bước đưa tỉnh Bình Dương trở thành thành phố thông minh, trong đó, các dự án trọng điểm được coi là điểm sáng của Vùng là Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) và Khu công nghiệp Khoa học công nghệ (KCN KHCN).
KCN KHCN được quy hoạch tại huyện Bàu Bàng để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học, vừa đóng vai trò tiên phong cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, tiết kiệm nguồn lao động vừa phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị tăng cao; vừa tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học, xây dựng môi trường sống tốt cho chuyên gia, tăng năng suất lao động, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
WTC BDNC sẽ là một “cánh cửa” để cộng đồng doanh nghiệp không chỉ tại Bình Dương mà doanh nghiệp cả nước kết nối với thế giới. Thông qua các hoạt động thiết thực, trung tâm sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh giao thương, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn.