Bộ Tư pháp vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (dự thảo Nghị định). Theo đó, việc xây dựng Nghị định nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công về đăng ký, hiệu quả của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký.

Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm hiện hành; nắm bắt, bao quát được những vấn đề, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 61 điều. Theo dự thảo Nghị định, các trường hợp đăng ký bao gồm: Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đất đai, luật khác có liên quan.

Đăng ký biện pháp bảo đảm theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản.

Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm; đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã được đăng ký; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm đã được đăng ký; đăng ký thay đổi, xóa đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm đã được đăng ký.

Về nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin, dự thảo Nghị định nêu rõ, người yêu cầu đăng ký phải trung thực trong kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin kê khai.

Cơ quan đăng ký phải thực hiện đúng thủ tục, thời hạn, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn, không làm phát sinh thủ tục khác với quy định của Nghị định này; không yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào hoặc kê khai thêm thông tin nào mà Nghị định này không quy định phải có trong hồ sơ đăng ký.

leftcenterrightdel
 Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND cấp xã. (Ảnh minh hoạ)

Cơ quan đăng ký không phải chịu trách nhiệm về tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và trong thực hiện thủ tục đăng ký theo nội dung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền.

Việc đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; tàu bay; tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, giàn di động, kho chứa nổi đảm bảo nguyên tắc nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phù hợp với thông tin trên Giấy Chứng nhận, thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký, trừ trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai, tài sản gắn liền với đất mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu quy định tại Khoản 5 Điều này và trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 38 và Khoản 1 Điều 39 Nghị định này.

Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác thì bên bảo đảm phải là người có quyền sử dụng đất hoặc là chủ sở hữu tài sản được dùng để bảo đảm; việc bên bảo đảm dùng quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác là do các bên tham gia xác lập hợp đồng bảo đảm tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về dân sự.

Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai, bằng tài sản gắn liền với đất mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu hoặc bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung thì cơ quan đăng ký thực hiện đăng ký theo nguyên tắc ghi nhận nội dung đăng ký trên cơ sở thông tin được kê khai trên Phiếu yêu cầu đăng ký. Người yêu cầu đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tính chính xác của thông tin về bên bảo đảm, về tài sản bảo đảm được kê khai trên Phiếu yêu cầu đăng ký.

Thông tin về biện pháp bảo đảm được cung cấp theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

Cùng với các nội dung trên, dự thảo Nghị định còn quy định về cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động cung cấp thông tin, bao gồm: Cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 10 Nghị định này; cơ quan khác có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản.

TAND, VKSND, CQĐT, người có thẩm quyền của các cơ quan này; cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên; cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, người có thẩm quyền của cơ quan này.

Về nội dung cung cấp thông tin, hình thức, thời hạn cung cấp thông tin, dự thảo Nghị định quy định: Thông tin do TAND, Trọng tài, VKSND, CQĐT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác hoặc người có thẩm quyền của các cơ quan này cung cấp cho cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm: Thông tin về tài sản bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm trong Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, của Trọng tài; văn bản của CQĐT, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác hoặc người có thẩm quyền của các cơ quan này.

Việc cung cấp thông tin cho cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo hình thức, thời hạn quy định của pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác liên quan.

Thông tin do cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cung cấp cho cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm thông tin liên quan đến tài sản bảo đảm trong Quyết định kê biên, Quyết định giải tỏa kê biên tài sản thi hành án dân sự.

Việc cung cấp thông tin cho cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo hình thức, thời hạn quy định tại pháp luật thi hành án dân sự.

P.V