Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Kế hoạch số 25/KH-UBND về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022 vừa được UBND Thành phố ban hành.
Theo đó, Thành phố quyết tâm bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trọng đại diễn ra trên địa bàn Thủ đô, các ngày lễ lớn của đất nước.
Thành phố phấn đấu không để xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động phức tạp, lộng hành, không để phát sinh “điểm nóng” về trật tự xã hội; tiếp tục phấn đấu giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với thống kê của năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch COVID-19); tỉ lệ điều tra khám phá án chung đạt 75% trở lên, riêng án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90% trở lên; giảm ít nhất 5% các tội phạm xâm hại trẻ em so với năm 2021.
Các cơ quan chức năng Thành phố cũng bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỉ lệ giải quyết đạt trên 90%. Đồng thời, truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố, bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Nâng cao chất lượng xét xử, tỉ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác bắt, giam, giữ, xử lý tội phạm, công tác thi hành án hình sự; thực hiện tốt chính sách đối với can phạm, phạm nhân tại các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ sở giam giữ, không để xảy ra các trường hợp trốn, gây rối, thông cung, đánh nhau, tự thương, tự sát... Kiên quyết không để xảy ra tình trạng bắt giữ người oan, sai, bức cung, nhục hình, bỏ lọt tội phạm.
|
|
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo Bảo vệ pháp luật) |
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội năm 2022 trên địa bàn thành phố. Thực hiện chuyển hóa thành công ít nhất 60% tổng số địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội được lựa chọn thực hiện trong năm 2022; 85% các địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại.
Mặt khác, Kế hoạch cũng nêu rõ các giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu quả công tác phong trào, công tác giáo dục, tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm; thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường hiệu quả công tác quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng…
Ngoài ra, Kế hoạch cũng phân công trách nhiệm đối với Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các sở, ban, ngành có liên quan. Đồng thời, đề nghị VKSND, TAND Thành phố tập trung chỉ đạo làm tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, gắn hiệu quả công tác của ngành với hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; không để xảy ra việc kết án oan người không có tội và bỏ lọt tội phạm. Phối hợp với CQĐT giải quyết các vụ án trọng điểm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm để đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đặc biệt là công tác giải quyết các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ, tham nhũng do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thường trực Thành ủy theo dõi, chỉ đạo.
Tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử án điểm, xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết pháp luật trong nhân dân và răn đe phòng ngừa tội phạm.
Tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử nhằm “Tăng cường trách nhiệm công tố với hoạt động điều tra", “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa"; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ án quá thời hạn; thường xuyên kiểm tra các vụ án tạm đình chỉ, có biện pháp đôn đốc, giải quyết đối với các vụ án tạm đình chỉ khi lý do tạm đình chỉ không còn. Hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm phục vụ công tác dự báo tình hình, đề ra các chủ trương chính sách trong phòng, chống tội phạm phù hợp với tình hình mới.