Về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi, Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 (BLTTHS) quy định như sau:

“1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

leftcenterrightdel

KSV hỏi cung bị can dưới 18 tuổi (Ảnh: VKS Huế)

3. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.”

Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCV-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đã hướng dẫn cụ thể việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi, theo đó: Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng sinh, Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Sổ hộ khẩu, Hộ chiếu. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 BLTTHS để xác định tuổi của họ.

Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

Qua thực tiễn áp dụng, chúng tôi thấy quy định này hoàn toàn phù hợp, không có vướng mắc khi xác định tuổi của người bị buội tội, thế nhưng lại gây bất lợi cho họ khi áp dụng để xác định tuổi của người bị hại. Để thấy rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đưa ra hai ví dụ cụ thể sau:

Ví dụ 1: Cơ quan điều tra tỉnh H đang điều tra đối với Nguyễn Văn A về hành vi giết người xảy ra vào ngày 20/7/2019. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp nhưng không thể xác định được ngày, tháng mà chỉ xác định được năm sinh của A là năm 2006. Căn cứ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 417 BLTTHS, Cơ quan điều tra xác định A sinh vào ngày 31/12/2008, từ đó đã kết luận A không phạm tội giết người quy định tại Điều 123 BLHS 2015, do tại thời điểm phạm tội, A chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Qua vụ án này cho thấy Điều 147 BLTTHS, Thông tư liên tịch số 06/2018 ngày 21/12/2018 đã quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội.

Ví dụ 2: Ngày 01/01/2018, Trần B (20 tuổi) đã có hành vi quan hệ tình dục với cháu C. Cơ quan điều tra tỉnh H xác định B và cháu C có quan hệ tình cảm, việc quan hệ tình dục giữa hai người là tự nguyện. Do không xác định được năm sinh của cháu C nên Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định, kết luận giám định đã xác định cháu C có độ tuổi trong khoảng từ 12 tuổi 9 tháng đến 13 tuổi 3 tháng. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 417 BLTTHS và khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT  ngày 21/12/2018, Cơ quan điều tra xác định tuổi của C là 12 tuổi 9 tháng. Trên cơ sở tuổi của C, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với B về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 142 BLHS 2015.

Nếu không lấy tuổi thấp nhất mà lấy tuổi cao nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của C (trường hợp này là 13 tuổi 3 tháng) thì B chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145) mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (có hình phạt nặng hơn).

Qua vụ án này có thể thấy rõ ràng rằng, quy định tại Điều 147 BLTTHS, khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018 ngày 21/12/2018 đã gây bất lợi cho người phạm tội khi áp dụng để xác định tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi, không đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự, theo đó, trách nhiệm chứng minh tội phạm, người phạm tội thuộc về Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp có những tình tiết không thể làm rõ, có mâu thuẩn giữa các hướng giải quyết, có hoài nghi mà đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng không thể khắc phục được thì phải được giải quyết theo hướng có lợi cho người bị buộc tội. Quy định nguyên tắc này nhằm chống khuynh hướng buộc tội theo kiểu tư duy “thà làm oan còn hơn bỏ lọt”.

 
leftcenterrightdel
 Phiên tòa xét xử bị cáo dưới 18 tuổi (Ảnh: VKS Đà Nẵng)

Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng, Cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi Điều 417 BLTTHS và khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018 ngày 21/12/2018 như sau:

Thứ nhất, sửa đổi Điều 417 BLTTHS theo hướng chỉ áp dụng để xác định tuổi của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, bằng việc bỏ cụm từ “người bị hại” trong điều luật này, cụ thể:

“Điều 417. Xác định tuổi của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi

1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

3. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.”

Thứ hai, bổ sung vào BLTTHS 01 điều luật để quy định về xác định tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi nhằm khắc phục những điều không có lợi cho người bị buộc tội, theo hướng:

“Điều... Xác định tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi

1. Việc xác định tuổi của người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của họ thì tuổi của họ được xác định như sau:

a) Trường hợp xác định tháng sinh cụ thể, nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày mùng một của tháng đó làm ngày sinh;

b) Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày mùng một của tháng đầu của quý đó làm ngày sinh;

c) Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày mùng một tháng Giêng hoặc ngày mùng một tháng Bảy tương ứng của năm đó làm ngày sinh;

d) Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày mùng một tháng Giêng của năm đó làm ngày sinh.

3. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi”

Thứ ba, trên cơ sở sửa đổi Điều 417 BLTTHS, Cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018 ngày 21/12/2018 cho thống nhất, phù hợp.

Nguyễn Cường