VKSND tối cao vừa ban hành Hướng dẫn về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này của Ngành trong năm 2022.

Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Hướng dẫn nêu rõ, Viện kiểm sát các cấp tiếp tục thực hiện chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao về việc yêu cầu các đồng chí Viện trưởng VKSND các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; chú trọng thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát.

Theo đó, Viện trưởng trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; nghiên cứu, đọc báo cáo, phê duyệt, quyết định việc kháng nghị, bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa, phiên họp.

Trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án đối với những vụ án lãnh đạo VKSND tối cao, cấp ủy quan tâm, chỉ đạo, những vụ án có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình chính trị, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Thành lập các tổ hoặc hội đồng tham mưu để thảo luận, đưa ra ý kiến phản biện, đa chiều nhằm phát huy trí tuệ, dự kiến các tình huống phát sinh để Viện trưởng quyết định kháng nghị và giúp Kiểm sát viên được phân công kiểm sát xét xử tại phiên tòa bảo vệ quan điểm kháng nghị.

Quan tâm chọn lựa, bố trí Kiểm sát viên, công chức có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để phân công làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật đảm bảo tính ổn định, đan xen, kế thừa giữa các thế hệ.

leftcenterrightdel
 Viện kiểm sát họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa xét xử vụ án hành chính. (Ảnh minh hoạ)

Cùng với đó, Viện kiểm sát cần đưa công tác kháng nghị là một nội dung trọng tâm trong kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm của các cấp kiểm sát, qua đó biểu dương kịp thời những cá nhân, đơn vị làm tốt hoặc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hết trách nhiệm trong công tác kháng nghị, gắn chất lượng công tác kháng nghị vào việc bình xét thi đua tập thể, cá nhân và chịu trách nhiệm chính khi đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội và Ngành giao. 

Chú trọng công tác đào tạo và tự đào tạo tại đơn vị. Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm, chuyên sâu về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật hướng dẫn trực tiếp các công chức mới được tuyển dụng.

Lãnh đạo VKSND các cấp thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi, học tập rút kinh nghiệm thông qua việc nghiên cứu, giải quyết các vụ án cụ thể. Xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phiên tòa rút kinh nghiệm... nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp, nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm trong các bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị. 

Về tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương, theo Hướng dẫn, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương, sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc có yếu tố nước ngoài. 

Quán triệt Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động đến toàn thể cán bộ chủ chốt trong đơn vị.

Về công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị và thông báo rút kinh nghiệm, VKSND cấp có thẩm quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát thuộc phạm vi trách nhiệm của đơn vị. 

Việc tổ chức rút kinh nghiệm phải được thực hiện đa dạng, bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng việc ban hành thường xuyên, kịp thời thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động. 

Trong công tác phối hợp, VKSND các cấp cần chủ động phối hợp với Tòa án cùng cấp trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. 

VKSND các cấp phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ; tọa đàm trao đổi kinh nghiệm; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thông tin, báo cáo, trao đổi nghiệp vụ, góp phần hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch công tác năm 2022. 

P.V