Đây là một trong những nội dung được nêu tại Hướng dẫn số 06/HD-VKSTC của VKSND tối cao về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình năm 2022.
Theo đó, trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác cán bộ, Ban cán sự đảng VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh cần ban hành nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về việc Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Có kế hoạch cụ thể khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm 2021; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 6/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện số hóa hồ sơ... nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.
Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện lựa chọn, bố trí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức có năng lực, trình độ và kinh nghiệm thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức phải nhận thức đúng, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ chuyên gia, tạo động lực để đội ngũ công chức cống hiến, tận tụy, phát huy năng lực, sở trường công tác.
Lãnh đạo Viện kiểm sát tăng cường kiểm tra chất lượng nghiên cứu hồ sơ, chất lượng báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp; đồng thời có cơ chế động viên, khuyến khích, thu hút đối với công chức làm công tác này. Quan tâm quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm Kiểm sát viên giỏi trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự giữ các vị trí lãnh đạo, phụ trách khâu công tác này.
|
|
Viện kiểm sát kiểm sát trực tiếp tại Cục THADS tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh minh hoạ) |
Tập trung nâng cao chất lượng, bản lĩnh chính trị của đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự: Chú trọng công tác đào tạo và tự đào tạo tại đơn vị; xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về luật nội dung trong lĩnh vực dân sự (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật thuế, Luật Sở hữu trí tuệ...). Viện trưởng VKSND các cấp phân công Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm, chuyên sâu trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ngạch thấp hơn, công chức mới được tuyển dụng.
Mặt khác, lãnh đạo VKSND các cấp thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm, rút kinh nghiệm qua các vụ việc dân sự hôn nhân và gia đình cụ thể; xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, tổ chức tốt các cuộc thi nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của công chức trong lĩnh vực này.
Triển khai thi hành Hệ thống biểu mẫu văn bản tố tụng nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự (ban hành kèm theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của VKSND tối cao). Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng việc tham gia phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Đối với vụ việc liên quan đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng cần lập sổ theo dõi riêng; tổng hợp, báo cáo kết quả giải quyết (đánh giá chất lượng, hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng) về VKSND tối cao tại các kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của VKSND tối cao.
Ngoài ra, trong lựa chọn, phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị, Hướng dẫn nêu rõ, Viện kiểm sát tiếp tục chủ động phối hợp với Tòa án cùng cấp lựa chọn các vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo đúng Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của VKSND tối cao; nội dung và hình thức tổ chức phiên tòa phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Ưu tiên chọn, đề xuất và tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến trong phạm vi khu vực (theo cụm), trực tuyến ở hai cấp để học tập, rút kinh nghiệm chung.
Đồng thời, Viện kiểm sát cấp trên trong phạm vi thẩm quyền tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc, thông báo và tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác, trọng tâm là: Kinh nghiệm, kỹ năng kiểm sát và phát hiện vi phạm đối với bản án, quyết định của Tòa án; kỹ năng xây dựng bài phát biểu, kiểm sát biên bản phiên tòa... Nội dung hướng dẫn nghiệp vụ phải cụ thể rõ ràng, nêu rõ căn cứ pháp lý để áp dụng khi thực hiện. Thông báo rút kinh nghiệm cần chỉ ra được các vấn đề thiếu sót cần rút kinh nghiệm mà Kiểm sát viên được phân công kiểm sát không kịp thời phát hiện được.