Thứ nhất, pháp luật chưa ghi nhận quyền kiến nghị của Viện kiểm sát trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm

Kiến nghị là quyền hạn quan trọng của (Viện kiểm sát) VKS khi kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó bao gồm hoạt động tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm, bảo đảm cho hoạt động này thực hiện đúng pháp luật, các vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Vậy nhưng, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 mới chỉ ghi nhận quyền kiến nghị của VKS trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, chưa ghi nhận quyền này cho VKS khi kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm. Thế là chưa đồng bộ, chưa đầy đủ để VKS thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát giải quyết tin báo tại cơ quan có thẩm quyền (Ảnh minh hoạ của Nguyễn Thị Tâm)

Thứ hai, thiếu vắng quy định về thời hạn kiến nghị

Cho đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định về thời hạn VKS phải kiến nghị khi kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, sự thiếu vắng này đã dẫn đến thực tế là cùng một vi phạm, có đơn vị ban hành kiến nghị ngay sau khi phát hiện vi phạm, nhưng có đơn vị lại tổng hợp rồi định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm mới kiến nghị. Ví dụ: Cơ quan điều tra có vi phạm trong việc không đo nồng độ cồn của đối tượng khi giải quyết vụ việc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Với vi phạm này, có đơn vị ra văn bản kiến nghị ngay trong giai đoạn giải quyết tin báo, nhưng có đơn vị gần 1 năm sau mới ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Thứ ba, việc trả lời kiến nghị

- Về kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật: Luật Tổ chức VKSND 2014 chưa có quy định về thời hạn xem xét, giải quyết, trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của VKS. BLTTHS 2015 mặc dù đã tồn tại một số quy định về thời hạn xem xét, trả lời kiến nghị này của VKS nhưng giữa chúng lại không có sự thống nhất.

Cụ thể:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 BLTTHS 2015 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị về áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của VKS. Thế nhưng, trong giai đoạn truy tố, theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 237 BLTTHS  2015 thì thời hạn trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với kiến nghị của VKS về áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật là 10 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Như vậy là có sự không thống nhất giữa Điều 6 và Điều 237 BLTTHS 2015 về thời hạn trả lời việc thực hiện kiến nghị của VKS về áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Việc quy định quyền kiến nghị của VKS về phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố cũng dẫn đến tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa là vì tại Điều 6 BLTTHS 2015 đã có quy định chung về quyền kiến nghị của VKS và trách nhiệm, thời hạn trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với kiến nghị nên không nhất thiết phải quy định lại trong giai đoạn truy tố. Thiếu là vì Bộ luật này chỉ quy định lại quyền kiến nghị trong giai đoạn truy tố mà lại không quy định quyền này cho VKS trong các giai đoạn khởi tố, điều tra và xét xử.

Về kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật: Trong các giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra và xét xử, BLTTHS 2015 chưa có quy định về trách nhiệm và thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân xem xét, giải quyết, trả lời việc thực hiện kiến nghị này của VKS. Luật Tổ chức VKSND 2014 tuy đã có quy định về trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc thực hiện kiến nghị của VKS nhưng còn chung chung và chưa cụ thể về thời hạn trả lời kiến nghị.

Chính vì thiếu quy định về trách nhiệm và thời hạn trả lời kiến nghị nên trong thực tiễn rất ít trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản trả lời việc thực hiện kiến nghị của VKS và do đó, VKS gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện kiến nghị để có biện pháp xử lý.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên báo cáo án trước lãnh đạo Viện (Ảnh: Đinh Thắng)

Trong khi đó, ở giai đoạn truy tố, tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 237 BLTTHS 2015 đã có quy định về trách nhiệm và thời hạn trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với kiến nghị của VKS về xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật là 10 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Quy định này là cần thiết, tạo thuận lợi cho VKS khi kiểm sát việc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kiến nghị.

Chính vì vậy, BLTTHS 2015 cần bổ sung quy định về trách nhiệm và thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân xem xét, giải quyết, trả lời việc thực hiện kiến nghị của VKS về xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật khi kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát điều tra, xét xử.

Về Kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng: BLTTHS 2015 thiếu vắng quy định về trách nhiệm và thời hạn xem xét, giải quyết, trả lời của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án đối với kiến nghị về khắc phục vi phạm của VKS khi kiểm sát việc khởi tố, điều tra và xét xử vụ án hình sự (khoản 6 các điều 166, 267). Luật Tổ chức VKSND 2014 dù đã có quy định về trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc thực hiện kiến nghị của VKS nhưng còn chung chung và chưa cụ thể về thời hạn trả lời kiến nghị. Sự thiếu vắng quy định về thời hạn này gây không ít khó khăn cho VKS khi kiểm sát việc thực hiện kiến nghị.

Thứ tư, thực tiễn cho thấy, một số trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân dù đã nhận được kiến nghị của VKS nhưng không trả lời. Điều này có nguyên nhân là do BLTTHS 2015 thiếu vắng quy định về biện pháp xử lý đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không trả lời kiến nghị của VKS.

Thứ năm, thiếu quy định giải quyết trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không đồng ý với kiến nghị

BLTTHS 2015 chưa có quy định để giải quyết đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không đồng ý với kiến nghị của VKS khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự khiến cho mỗi đơn vị có cách giải quyết khác nhau. Có đơn vị có công văn trả lời không chấp nhận một phần hoặc toàn bộ kiến nghị, lại có đơn vị không trả lời VKS mà có văn bản báo cáo cấp trực tiếp để chỉ đạo giải quyết.

leftcenterrightdel
 

Bản kiến nghị của Viện kiểm sát (VKS Vĩnh Thạnh)

Từ những vướng mắc nêu trên, tác giả đề xuất một số vấn đề sau đây:

Một là, bổ sung quyền kiến nghị của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm theo hướng thiết kế thêm 2 khoản mới vào Điều 160 BLTTHS 2015 để quy định nhiệm vụ, quyền hạn kiến nghị vi phạm pháp luật và kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm của VKS.

Hai là, để các vi phạm pháp luật trong hoạt động giải quyết vụ án hình sự đã phát hiện đều được kịp thời khắc phục, không để vi phạm tiếp tục xảy ra; các thiếu sót, sơ hở trong hoạt động quản lý được khắc phục kịp thời; bảo đảm sự thiếu thống nhất về thời điểm ban hành kiến nghị, BLTTHS 2015 và Luật Tổ chức VKSND 2014 cần quy định rõ tiêu chí, thời hạn VKS phải kiến nghị khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, chẳng hạn có thể quy định theo hướng: VKS phải ban hành kiến nghị trong thời hạn 30 ngày kể từ khi phát hiện vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ba là, việc trả lời của cơ quan, tổ chức về việc thực hiện kiến nghị

- Việc Điều 6 và Điều 237 BLTTHS 2015 quy định khác nhau về thời hạn trả lời kiến nghị của VKS về áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật đã làm ảnh hưởng đến tính thống nhất của pháp luật. Để khắc phục hạn chế này, theo chúng tôi, BLTTHS 2015 có thể sửa đổi theo một trong hai hướng sau:

(i) Sửa đổi thời hạn trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với kiến nghị của VKS khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố quy định tại khoản 2 Điều 237 Bộ luật này từ 10 ngày lên thành 15 ngày (để phù hợp với quy định chung tại Điều 6 Bộ luật này) kể từ ngày nhận được kiến nghị;

(ii) Bỏ quy định về trách nhiệm và thời hạn trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với kiến nghị về áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật của VKS tại khoản 2 Điều 237 Bộ luật này. Khi đó, trách nhiệm và thời hạn trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với kiến nghị này của VKS sẽ được thực hiện theo quy định chung tại Điều 6 Bộ luật này.

- Bổ sung vào các điều 162, 167, 237, 267 quy định về trách nhiệm và thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân xem xét, giải quyết, trả lời việc thực hiện kiến nghị của VKS về xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật khi kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát điều tra, xét xử.

Bốn là, bổ sung vào BLTTHS 2015 chế tài xử lý cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không trả lời kiến nghị, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh.

Năm là, BLTTHS 2015 chưa có quy định để giải quyết đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không đồng ý với kiến nghị của VKS khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, dẫn đến vướng mắc, lúng túng trong việc giải quyết. Qua thực tiễn và nghiên cứu, chúng tôi đề xuất bổ sung quy định này vào các điều 162, 167, 237, 267 BLTTHS 2015 theo hướng: trong trường hợp cơ quan, tổ chức không đồng ý với kiến nghị của VKS thì có quyền kiến nghị VKS cấp trên xem xét, giải quyết. Hướng giải quyết này rất hợp lý, qua thực tiễn áp dụng không có vướng mắc gì.

Anh Minh