Theo hồ sơ vụ việc: Cụ Vũ Đình Đang kết hôn với cụ Vũ Thị Sen, sinh được 3 người con là Vũ Thị Chung (SN1933, chết năm 2007), Vũ Văn Kiểng (SN 1935, chết năm 1995), Vũ Đức Tiêu (SN 1938). Gia đình sinh sống trên thửa đất của tổ tiên để lại. Sau này, bà Chung kết hôn với ông Vòng (chết năm 1993) sinh được 3 người con: Nguyễn Thị Tuyến, Nguyễn Đình Duyến, Nguyễn Đức Duyện. Còn ông Kiểng kết hôn với bà Bứa (chết năm 1999) sinh được Vũ Xuân Kiểm (anh Kiểm kết hôn với chị Trần Thị Từ).

Năm 1948, cụ Sen chết không để lại di chúc, sau đó cụ Đang kết hôn với cụ Vũ Thị San và sinh được 3 người con: Vũ Xuân Mùi (SN1949), Vũ Thị Là (SN1954), Vũ Thị Na (SN1957). Gia đình cụ Đang tiếp tục ở trên thửa đất của tổ tiên để lại.

Năm 1987, cụ Đang chết không để lại di chúc. Sau đó, bà Là, bà Na lấy chồng, ông Mùi lấy vợ về ở cùng cụ San. Năm 1990 ông Mùi cùng vợ con ra tỉnh Quảng Ninh sinh sống, cụ San quản lý, sử dụng diện tích đất trên. Năm 1995, cụ San cùng các con xây dựng ngôi nhà mái ngói trên diện tích đất để ở (hiện ngôi nhà này không còn giá trị và do ông Mùi đang quản lý). Năm 1996 cụ San được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 397m2 đất thuộc tờ bản đồ số 6 gồm: thửa 92 diện tích 280m2 đất ở lâu dài; thửa 101, diện tích 117m2 (20m2 đất ở lâu dài, 97m2 đất trồng cây lâu năm). Năm 2006, ông Mùi đón cụ San ra Quảng Ninh sinh sống, diện tích đất trên để nguyên, không ai trông nom.

Năm 2008, bà Là được tổ chức quốc tế hỗ trợ làm nhà cho người nghèo, bà Là làm nhà cấp 4 trên thửa đất số 92, diện tích 280m2, tờ bản đồ số 6 và sinh sống cùng chồng là ông Vũ Xuân Điều cùng các con là Vũ Đình Triệu, Vũ Thị Sang từ đó đến nay.

Năm 2017, cụ San chết. Sau đó, gia đình bà Là làm thêm khung sắt mái tôn liền kề với ngôi nhà bà Là đang ở. Ông Mùi không đồng ý nên yêu cầu bà Là tháo dỡ mái tôn để ông Mùi xây nhà thờ. Bà Là làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với diện tích 397m2 của cụ San để lại.

leftcenterrightdel

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự.

                                      

Tại Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Bình Giang đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Là về việc chia thừa kế theo pháp luật; chấp nhận sự tự nguyện từ chối hưởng di sản của anh Duyện, anh Duyến, chị Tuyến, anh Kiểm, ông Tiêu, bà Na. Chia cho bà Là 97 m2 đất, ông Mùi 194,2 m2 đất thuộc thửa số 92. Chia cho bà Là thửa đất số 101, diện tích 117 m2. Ông Mùi có trách nhiệm thanh toán những khoản sau: tiền chênh lệch tài sản cho bà Là hơn 25 triệu đồng; trị giá tài sản trên đất cho vợ chồng bà Là hơn 20 triệu đồng; công sức duy trì, quản lý di sản cho vợ chồng anh Kiểm 4,5 triệu đồng.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo của các đương sự, Viện kiểm sát thấy quá trình Tòa án giải quyết vụ án có những vi phạm sau:

 Xác định thiếu người được hưởng di sản thừa kế; xác định thiếu di sản thừa kế: Khi cụ Đang chết, hàng thừa kế thứ nhất của gồm 7 người, di sản sẽ được chia đều. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ chia phần di sản của cụ Đang cho 4 người (cụ San, ông Mùi, bà Là, bà Na) là không đúng quy định của pháp luật.

Đến năm 1948 cụ Sen chết, di sản thừa kế của cụ Sen là ½ trị giá quyền sử dụng đất, hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của cụ Sen gồm 4 người: cụ Đang, ông Tiêu, ông Kiểng, bà Chung. Như vậy, tài sản của cụ Đang là ½ trị giá quyền sử dụng đất và phần được hưởng thừa kế từ cụ Sen. Sau khi cụ Sen chết, cụ Đang kết hôn với cụ San, theo Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì tài sản của cụ Đang trở thành tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ xác định phần tài sản của cụ Đang trong khối tài sản chung với cụ Sen (½ trị giá quyền sử dụng đất) trở thành tài sản chung của vợ chồng cụ Đang, cụ San là thiếu, dẫn đến thiếu di sản của cụ San.

Xác định công sức của người duy trì, quản lý di sản chưa phù hợp với  thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người được hưởng thừa kế.

Sau khi cụ Sen, cụ Đang chết, việc duy trì, quản lý di sản của 2 cụ không chỉ có cụ San mà còn có cả những người được hưởng thừa kế khác như ông Mùi, bà Là, ông Điều… Bởi vậy, bản án sơ thẩm tính công sức cho cụ San trong việc duy trì, quản lý di sản của cụ Sen, cụ Đang bằng 1/2 trị giá di sản và nhiều hơn 1 suất thừa kế là không phù hợp thực tế.

Căn cứ tài liệu trong hồ sơ xác định năm 1997 vợ chồng anh Kiểm, chị Từ đã mua 45m3 đất để lấp ao thành vườn tại thửa số 101, tờ bản đồ số 6. Bản án sơ thẩm tính công sức cho vợ chồng anh Kiểm bằng trị giá đất san lấp, không tính công sức anh Kiểm, chị Từ trong việc san lấp, quản lý, duy trì di sản từ năm 1997 đến nay là không bảo đảm quyền lợi của vợ chồng anh Kiểm theo quy định tại Điều 618 Bộ luật dân sự.

Việc giao hiện vật cho đương sự không phù hợp hiện trạng sử dụng đất, không bảo đảm quyền lợi của đương sự.

Năm 2008, do gia đình bà Là thuộc hộ nghèo nên được hỗ trợ xây nhà cấp 4 trên thửa đất số 92, đây là chỗ ở duy nhất của vợ chồng bà và vợ chồng con trai là anh Triệu, chị Sang. Bà Là đề nghị được chia phần đất có nhà mà gia đình bà đang ở, trong nhà có điện thờ. Ông Mùi đề nghị được chia phần đất có ngôi nhà cũ của cụ San mà ông Mùi đang quản lý, trong nhà có bàn thờ tổ tiên, ông Mùi vẫn thường xuyên đi lại hương khói. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại chia cho bà Là phần đất có ngôi nhà cũ của cụ San mà ông Mùi đang quản lý để thờ cúng; chia cho ông Mùi phần đất có nhà và tài sản của gia đình bà Là đang quản lý sử dụng; buộc ông Mùi phải thanh toán tài sản trên đất cho vợ chồng bà Là hơn 20 triệu đồng là không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, không bảo đảm quyền lợi của bà Là và ông Mùi.

Việc tuyên án chưa rõ ràng dẫn đến khó thi hành án

Thửa đất số 92 diện tích 291,2 m2 là đất ở lâu dài; thửa đất số 101 diện tích 117 m2  gồm 20 m2  đất ở lâu dài, 97 m2 đất trồng cây lâu năm. Khi chia đất cho bà Là, ông Mùi, bản án không tuyên cụ thể chia cho mỗi người diện tích đất tương ứng với mục đích sử dụng đất sẽ gây khó khăn khi bà Là, ông Mùi đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.

Đây là vụ án chia thừa kế nhưng phần quyết định của bản án chưa tuyên rõ ràng về di sản chia thừa kế gồm những tài sản nào, trị giá bao nhiêu; công sức duy trì, quản lý, tôn tạo di sản là bao nhiêu; Trị giá di sản còn lại để chia thừa kế là bao nhiêu.

Việc tuyên án chưa rõ ràng là chưa đảm bảo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự về bản án sơ thẩm, chưa thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng mẫu bản án sơ thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Để bảo đảm quyền lợi của các bên đương sự, Viện trưởng VKSND huyện Bình Giang đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với các vi phạm nêu trên. Sau đó, TAND tỉnh Hải Dương đã xét xử phúc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa bản án sơ thẩm theo nội dung kháng nghị, bảo đảm quyền lợi của người được hưởng di sản thừa kế.


Nguyễn Thị Hoa