Ông Mạc Tiến Thành thuê đất nông nghiệp không sử dụng đúng mục đích, ngày 27/5/2021 đã bị cơ quan chức năng và UBND xã Quang Thành lập Biên bản yêu cầu dừng hoạt động trong việc tập kết than và vật liệu xây dựng trái phép trên đất thuê.
Nhưng kỳ lạ là ngày 5/7/2021, ông Lưu Hữu Nhặn – Chủ tịch UBND xã Quang Thành vẫn tiếp tục ký Hợp đồng cho ông Mạc Tiến Thành (SN 1985, ở thôn Thái Mông, xã Quang Thành), thuê hơn 5,5ha đất nông nghiệp nói trên. Mặc dù mục đích sử dụng đất thuê vẫn ghi rõ “trồng cây hoa màu ngắn ngày” nhưng thực tế ông Thành đã phối hợp với một số đối tượng khác vẫn tiếp tục dùng để làm nơi tập kết than và vật liệu xây dựng với quy mô lớn rồi ngang nhiên hoạt động chế biến than trái phép.
|
|
Khu đất nông nghiệp ông Mạc Tiến Thành thuê. |
Với sản lượng thóc phải nộp cho UBND xã Quang Thành là 150kg/360m2/năm; tổng sản lượng thóc phải nộp là 2,3 tấn/năm. Trong đó, Hợp đồng thuê đất công điền số: 01/2021/HĐTĐ-UBND do ông Lưu Hữu Nhặn – Chủ tịch UBND xã Quang Thành ký ngày 5/7/2021, nhưng lại có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021, cũng là một vấn đề khó hiểu, mục đích sử dụng đất cũng được ghi rõ là “trồng cây hoa màu ngắn ngày”?
Theo tìm hiểu của Phóng viên (PV), khu diện tích đất bãi ven sông này, năm 2003 một doanh nghiệp đã xây dựng lò sản xuất gạch thủ công. Đến năm 2012, thực hiện chủ trương của tỉnh Hải Dương, đơn vị này đã phá bỏ lò gạch thủ công để trả lại mặt bằng cho địa phương. Sau đó, do nhu cầu cung ứng nguyên vật liệu phục vụ công tác xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, UBND xã Phúc Thành (cũ), nay là xã Quang Thành đã cho ông Nguyễn Mạnh Dũng (Giám đốc Cty 27/7 Hải Dương) thuê để làm bến bãi tập kết cát, đá xây dựng.
Đến năm 2016, khu đất này lại được địa phương cho ông Mạc Tiến Thành thuê với diện tích hơn 5,5 ha đất bãi đê hữu sông Kinh Thầy, vị trí K23+500 ÷ K23+651, để trồng cây hoa màu ngắn ngày. Kể từ khi thuê đất đến nay, ông Thành không sử dụng để trồng cây hoa màu mà đã tự ý chuyển đổi mục đích sang tập kết than và vật liệu xây dựng trái phép.
Làm việc với PV Báo Bảo vệ pháp luật, ông Vũ Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thành thừa nhận thực trạng nêu trên và khẳng định: Vị trí tập kết than và vật liệu xây dựng của ông Mạc Tiến Thành tại bãi sông Kinh Thầy là trái phép. Việc tập kết vật liệu xây dựng của ông Thành đã diễn ra từ khi xã Phúc Thành và xã Quang Trung chưa sát nhập thành xã Quang Thành, còn việc tập kết, sản xuất và vận chuyển than xuất hiện khoảng một năm nay.
Tháng 5/2021, ông Thành còn tự ý xây dựng một công trình bằng gạch chỉ, lợp mái tôn; 1 công trình nhà dựng khung thép tại hàng lang thoát lũ sông Kinh Thầy, vi phạm Luật Đê điều. UBND xã đã phối hợp với Hạt Quản lý đê Kinh Môn tiến hành lập biên bản, yêu cầu ông Thành phải tháo dỡ ngay. Còn việc tập kết than trái phép, UBND xã đã nhiều lần yêu cầu ông Thành phải dừng hoạt động và trả lại hiện trạng mặt bằng cho địa phương, nhưng ông Thành không chấp hành, mời ra làm việc cũng không ra nên chính quyền xã đã báo cáo lên thị xã Kinh Môn để có biện pháp xử lý.
|
|
Than trên bãi tập kết đang được chuyển tải xuống tàu. |
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hạ - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Kinh Môn cho biết: Vụ việc đã được Phòng phối hợp với các đơn vị đi kiểm tra và lập Biên bản yêu cầu dừng tất cả các hoạt động. Ngày 3/12 này, đoàn kiểm tra liên ngành do ông Lưu Văn Bản – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương làm trưởng đoàn sẽ trực tiếp kiểm tra bến, bãi đó và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV, ông Trương Đức San – Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết: Kinh Môn có 87 km đê và nhiều bến bãi hoạt động, trong đó một số bến bãi không có giấy phép hoạt động cũng tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay thị xã không cấp bất kỳ chủ trương đầu tư bến bãi nào ở khu vực ngoài đê. Những bến bãi nào đã được cấp phép và đến nay vẫn đủ điều kiện nhưng phải nằm trong quy hoạch thì mới được gia hạn. Từ nay đến năm 2030, thị xã đang quy hoạch 3 khu vực bến bãi, mỗi khu có diện tích khoảng 200 ha. Về việc bãi than và vật liệu xây dựng tại xã Quang Thành, ông đã chỉ đạo cấp dưới kiểm tra và tới đây sẽ cương quyết xử lý dứt điểm những sai phạm theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trong nhiều tháng nay, hoạt động sản xuất và vận chuyển của bãi than vẫn thường xuyên nhộn nhịp, các tàu chở than vẫn cập bến, bãi rất sôi động… Để làm rõ vụ việc, PV Báo Bảo vệ pháp luật đã liên hệ với ông Mạc Tiến Thành, nhưng ông Thành đã giới thiệu PV gặp ông Dũng – lãnh đạo Công ty Đông Hải 27/7 để được trả lời. Sau khi PV liên hệ, ông Dũng hẹn PV làm việc nhưng cuối cùng PV vẫn chưa gặp được. Qua tìm hiểu được biết, ông Dũng nguyên là cán bộ Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã nghỉ hưu, nhưng được mời làm việc tại Công ty này.
Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc và có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng vạn tấn than ở đây, xác minh có hóa đơn chứng từ hợp pháp không? Cùng với đó, việc Điện lực Kinh Môn cấp điện cho bãi than hoạt động trái phép này cũng cần được làm rõ…
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này.