Trao đổi với phóng viên Bảo vệ pháp luật về những quy định chung về quyền kháng cáo, nội dung kháng cáo phần dân sự, Kiểm sát viên Nguyễn Quang Trung – Trưởng phòng 7, VKSND tỉnh Hải Dương phân tích như sau:

Người có quyền kháng cáo phần dân sự, được quy định tại Điều 331 Bộ luật TTHS. Theo quy định này, có 3 nhóm đương sự được quyền kháng cáo phần dân sự của Bản án hoặc Quyết định hình sự sơ thẩm gồm: Nhóm thứ nhất: Bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Nhóm thứ hai: Người đại diện hợp pháp của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Nhóm thứ ba: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Thủ tục kháng cáo, thời hạn kháng cáo được quy định tại Điều 322, Điều 333 Bộ luật TTHS:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, đối với người kháng cáo có mặt tại phiên toà; 15 ngày kể từ ngày người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật. 7 ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Người kháng cáo có quyền kháng cáo Bản án hoặc Quyết định hình sự sơ thẩm bằng một trong các hình thức: Gửi đơn hoặc trình bày trực tiếp đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm. Đơn kháng cáo phải được ký tên hoặc điểm chỉ và có các nội dung chính là ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo; Lý do và yêu cầu của người kháng cáo; Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm phải lập biên bản về việc Người kháng cáo trình bày trực tiếp theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật TTHS.

Nội dung kháng cáo phần dân sự theo Điều 262 Bộ luật TTHS nếu có việc bồi thường trong vụ án hình sự, thì Bản án sơ thẩm phải quyết định cụ thể về nội dung ai bồi thường cho ai, bồi thường bao nhiêu tiền, thời gian, hình thức bồi thường, quyền yêu cầu thi hành án dân sự, quyền kháng cáo khi có nội dung Toà án quyết định việc bồi thường dân sự hoặc công nhận sự thoả thuận, mới phát sinh quyền kháng cáo của người kháng cáo. Ví dụ, một số trường hợp cụ thể sau:

Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Văn A không nhất trí việc bồi thường cho bị hại Nguyễn Văn B, nên Bản án hình sự sơ thẩm, quyết định buộc bị cáo A bồi thường thiệt hại vật chất và tổn hại tinh thần cho bị hại B số tiền 50 triệu đồng; không nhất trí với quyết định của Toà án thì bị cáo A, bị hại B được quyền kháng cáo trong hạn luật định.

Trường hợp tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Văn A và bị hại Nguyễn Văn B thoả thuận với nhau, bị cáo A bồi thường cho bị hại B thiệt hại vật chất và tổn hại tinh thần cho bị hại Nguyễn Văn B là 50 triệu đồng, nên Bản án ghi: Công nhận sự thoả thuận A bồi thường thiệt hại vật chất và tổn hại tinh thần cho bị hại B số tiền 50 triệu đồng; không nhất trí với quyết định của Toà án thì bị cáo A, bị hại B được quyền kháng cáo trong hạn luật định.

Trường hợp tại phiên toà, Nguyễn Văn A tự nguyện bồi thường 50 triệu đồng cho bị hại Nguyễn Văn B  và sau phiên toà, bị hại B không có ý kiến gì  (hai bên không thoả thuận), nên Bản án ghi: Ghi nhận sự tự nguyện Nguyễn Văn A bồi thường thiệt hại vật chất và tổn hại tinh thần cho bị hại Nguyễn Văn B số tiền 50 triệu đồng. Nếu không nhất trí với quyết định của Toà án thì bị cáo A, bị hại B cũng không được quyền kháng cáo nội dung này, bởi lẽ: Mặc dù giải quyết vấn đề dân sự  trong vụ án hình sự là một trong các nguyên tắc cơ bản quy định nhưng vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được giải quyết theo Điều 30 Bộ luật TTHS; nguyên tắc dân sự, cụ thể là bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Trong trường hợp này, Toà án không ra Quyết định buộc bồi thường dân sự hoặc Quyết định công nhận sự thoả thuận bồi thường dân sự nên không phát sinh quyền kháng cáo của đương sự.

 

Nguyễn Quang Trung