Tội "Làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân" được quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân là trường hợp người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân có hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân.

Tội phạm này xâm phạm quyền bầu cử, quyền trưng câu ý dân của công dân.

Khách thể của tội phạm

Hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử là bằng những thủ đoạn khác nhau làm cho kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử không phản ánh đúng với thực tế khách quan, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Tội phạm xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử được quy định tại Điều 27 Hiến pháp, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan là:

+ Giả mạo giấy tờ là sửa chữa các loại giấy tờ có liên quan đến việc bầu cử; làm các loại giấy tờ giả.

+ Gian lận phiếu là sửa chữa, thay đổi số phiếu đã bầu cử như bớt của người này, tăng cho người kia, đưa phiếu giả vào…

+ Dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử như thay thùng phiếu thật bằng thùng phiếu giả; lấy cắp biên bản kiểm phiếu, thay bằng biên bản kiểm phiếu khác theo ý đồ của người phạm tội.

Chủ thể của tội phạm

 Chủ thể của tội phạm này được quy định là chủ thể đặc biệt, đó là người có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân.  Người khác chỉ có thể là đồng phạm. Vỉ dụ: Các thành viên ưong ban bầu cử, các thành viên trong ban kiểm phiếu...

 Mặt chủ quan của tội phạm

Tội làm sai lệch kết quả bầu cử thực hiện do lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi làm sai lệch kết quả bầu cử là trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Nói chung, người phạm tội làm sai lệch kết quả bầu cử thực hiện hành vi của mình do lỗi cố ý trực tiếp.

Người phạm tội làm sai lệch kết quả bầu cử có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn hoặc bọ mặc kết quả bầu cử bị làm sai lệch. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người mong sai lệch nhiều, có người chỉ mong sai lệch một phiếu để người mà mình quan tâm trúng cử.

 Hình phạt

– Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

– Khung 2: Phạt tù từ một năm đến ba năm đối với một trong những trường hợp sau:

+ Có tổ chức là từ hai người trở lên khi thực hiện tội phạm có sự phân công vai trò trách nhiệm của từng người trong hành động.

+ Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân

– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

 

 

Luật sư: Trần Văn Kiệm (Đoàn Luật sư Hà Nội)