Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. |
Hiện tình hình dịch bệnh Covid đang có nhiều diễn biến phức tạp, do đó người dân cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như góp phần đẩy lùi dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả.
Tại Quyết định 219/2020/QĐ-BYT đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Vi rút Corona (nCov) gây ra vào Danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Theo đó, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Với mức độ nguy hiểm của dịch Covid, việc vi phạm các quy định về biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid cần được lên án, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý cứng rắn răn đe. Một trong số đó là hành vi trốn cách ly y tế.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau:
“Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
...
7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Bên cạnh đó, tại Điều 49 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 có quy định:
“Điều 49. Tổ chức cách ly y tế
1. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.
2. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
3. Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ”.
Theo đó, người mắc Covid, người bị nghi ngờ mắc bệnh, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh phải được cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
Do đó, hành vi trốn cách ly y tế là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định. Cụ thể:
1. Xử lý hành chính
Người có hành vi trốn cách ly y tế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế với mức phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng, ngoài ra còn buộc thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly tế. Cụ thể:
“Điều 11. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
c) Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 1 và các điểm a, b khoản 2 Điều này”.
2. Xử lý hình sự
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người có hành vi trốn cách ly y tế sẽ bị xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Cụ thể:
“Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
“Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c khoản 1 Điều trên được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1.1 Mục 1 Công văn 45/2020/TANDTC-PC v/v xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể như sau:
“1. Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự
1.1. Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
a) Trốn khỏi nơi cách ly;
b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối”.
Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ mức độ của hành vi trốn cách ly y tế thì người vi phạm có thể xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.