Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng, là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ, nơi lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Quyền bầu cử, ứng cứ là gì?

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật trong việc được lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc giới thiệu người ứng cứ và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và HĐND các cấp.

Quyền ứng cử là quyền cơ bản của công dân khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND.

Cụ thể về quyền bầu cử và ứng cử được ghi nhận tại Điều 27 Hiến pháp 2013 như sau:

“Điều 27.

Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015:

Điều 2. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử

Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

Theo đó, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định.

2. Đại biểu HĐND có những quyền gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015:“Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình”.

Cũng theo Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, Đại biểu HĐND có những quyền cơ bản sau:

-       Đại biểu HĐND có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết các vấn đề tại phiên họp toàn thể (Điều 91);

-       Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết (Điều 95);

-       Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn (Điều 96);

-       Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp gửi của Hội đồng nhân dân và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết (Điều 97);

-       Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (Điều 97);

-       Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật (Điều 98);

-       Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó (Điều 99).

3.  Người đang chấp hành hình phạt án treo có bị tước quyền bầu cử không?

Theo Điều 30 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015 quy định:

“Điều 30. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri

1. Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.

2. Người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri theo quy định tại Điều 29 của Luật này…”.

Như vậy, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi mà bị Tòa án kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo vẫn có quyền bầu cử và ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình cư trú để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo quy định nếu như trong bản án không có hình phạt tước quyền bầu cử (tức hình phạt tước một số quyền công dân theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 32 và Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015).

Hương My