Bộ Tư pháp vừa ban hành Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) năm 2022. 

Bộ Tư pháp cho biết, năm 2022 là năm thứ hai tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026; việc ban hành Chương trình nêu trên nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Về các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể được đề ra bao gồm: Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.

Bảo đảm xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật việc THADS có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành. Đăng tải kịp thời, đầy đủ, đúng quy định thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành lên Cổng, Trang thông tin THADS.

Phấn đấu nâng cao chất lượng THADS, tỉ lệ thi hành xong trên 81,50% về việc và trên 40,10% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một cuộc cưỡng chế THADS. (Ảnh minh hoạ)

Tiếp tục thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Kết quả thi hành án liên quan đến các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, các khoản thu cho ngân sách nhà nước đảm bảo đạt tỉ lệ thi hành xong về việc, về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành cao hơn năm 2021.

Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS, nhất là các vi phạm trong kê biên, thẩm định giá, đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng nêu chỉ tiêu đó là trả lời bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục 100% và đúng thời hạn ít nhất 95% số văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Chấp hành viên, cơ quan THADS cấp dưới.

Thực hiện tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng quy định của pháp luật; giải quyết xong ít nhất 97% số đơn thư khiếu nại, tố cáo; tích cực tham gia, phối hợp giải quyết cơ bản những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài. Hạn chế phát sinh vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính trong hoạt động THADS; giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính.

Mặt khác, thực hiện theo dõi thi hành đối với 100% bản án, quyết định đã có quyết định buộc THAHC của Tòa án.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC và pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Cùng với mục tiêu, nhiệm vụ, Chương trình cũng đề cập đến các giải pháp bao gồm: Triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật về THADS, THAHC.

Nâng cao hiệu quả thi hành án trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các khoản thu cho tổ chức tín dụng; tăng cường quản lý nhà nước về THAHC; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC.

Đồng thời, kiện toàn bộ máy, đội ngũ công chức THADS; nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp; đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động cải cách hành chính…

P.V