Số vụ việc khiếu nại, tố cáo sai chiếm tỉ lệ lớn

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo Kết luận thanh tra số 1921/TB-TTCP về trách nhiệm của UBND tỉnh Sơn La trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La. (Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2010 đến ngày 31/12/2018).

Theo Thanh tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, giai đoạn thanh tra cho thấy, trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, việc ban hành văn bản quy định, chỉ đạo, điều hành đối với một số lĩnh vực chưa đầy đủ; văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, chưa kiên quyết, kịp thời nên việc triển khai thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn sai sót, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với một số lĩnh vực như tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và công khai minh bạch trong việc chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản thu nhập còn hạn chế, chưa tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng như trong Nhân dân. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo sai chiếm tỉ lệ lớn (khiếu nại là 71%; tố cáo là 64%). 

Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm còn có một vài đơn vị chưa coi trọng thanh tra trách nhiệm, phê duyệt kế hoạch thanh tra còn chậm, không khả thi, không rõ nội dung, đối tượng thanh tra... Việc chấp hành quy định về trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra ở một số cơ quan thanh tra sở, ngành, huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; việc kiến nghị biện pháp xử lý chưa cụ thể; việc tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả khi kết thúc thanh tra chưa được quan tâm đúng mức; việc ghi nhật ký Đoàn thanh tra còn hạn chế, chưa đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định; việc ban hành kết luận thanh tra của một số cuộc thanh tra còn chậm. 

Thông qua công tác thanh tra đã chỉ ra một số sai phạm, tuy nhiên tại kết luận thanh tra không chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp để xử lý sai phạm; chưa chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, cá nhân; việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của một số tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm được phát hiện qua thanh tra còn hình thức, chưa nghiêm túc. Một số đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các hình thức công khai kết luận thanh tra theo quy định. 

Việc xây dựng, ban hành kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm chưa tốt. Một số cơ quan, đơn vị có năm không xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng hoặc có kế hoạch nhưng chưa xác định cụ thể vấn đề trọng tâm, trọng điểm và nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các đơn vị; thiếu kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Việc thực hiện một số biện pháp phòng, ngừa tham nhũng về công tác tổ chức, cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản, thu nhập, công khai tài chính của các đơn vị dự toán, công khai, minh bạch trong quản lý đầu tự xây dựng,... chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra sai sót, khuyết điểm tại một số cơ quan, đơn vị. Số vụ việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn hạn chế, chủ yếu mới phát hiện vụ việc, đối tượng ở cấp cơ sở, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Thu hồi và giao đất thực hiện dự án không đúng đối tượng

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra, kiểm tra trực tiếp 9 dự án đầu tư xây dựng (8 dự án đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA và 1 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách) được UBND tỉnh phê duyệt, chấp thuận đầu tư trong kỳ để làm cơ sở đánh giá công tác quản lý dự án đầu tư trên địa bàn cho thấy vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm. Cụ thể như: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và phân bổ, bố trí vốn cho một số dự án không xác định rõ nguồn vốn, kế hoạch vốn; việc phân bổ vốn cho dự án chậm, chưa đáp ứng được tiến độ, chuyển nguồn vốn chưa đúng quy định; không có Nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; không thành lập hội đồng thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng thiếu thống nhất, đồng bộ, chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc sử dụng vốn đối ứng (trong dự án ODA) để đầu tư một số hạng mục bổ sung chưa được nêu trong văn kiện chương trình, dự án; công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế và dự toán, đánh giá hồ sơ dự thầu, lựa chọn nhà thầu còn sai sót; công tác quản lý chất lượng, quản lý tiến độ, hồ sơ dự án không đầy đủ, không lưu giữ hồ sơ nhật ký thi công, hoàn công đối với một số hạng mục; việc chấp hành quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng và giá trị bảo lãnh không đúng với quy định; công tác nghiệm thu, thanh toán còn sai sót, việc chấp hành về thủ tục thanh quyết toán không đúng quy định. 

Qua kiểm tra về công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức thực hiện dự án và cá nhân, hộ gia đình tại khu vực đô thị cho thấy còn một số tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất. Theo đó, quy hoạch chi tiết xây dựng của công trình, dự án không phù hợp quy hoạch chung, chức năng sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; quy hoạch tổng thể mặt bằng dự án được duyệt không phù hợp với giấy phép quy hoạch được cấp; cấp giấy phép xây dựng cho dự án không phù hợp với quy hoạch được duyệt; thu hồi và giao đất thực hiện dự án không đúng đối tượng, chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm; không thực hiện quy định của pháp luật về ký quỹ đầu tư. 

Cùng với đó, việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất còn chưa kịp thời sau điểu chỉnh quy hoạch chi tiết; chủ đầu tư thực hiện việc xây dựng một số hạng mục công trình không phép hoặc không tổ chức triển khai thực hiện dự án sau khi được giao đất; giao đất thuộc quy hoạch đường giao thông, hành lang lưới điện, kè nắn suối không đúng quy định; một số dự án triển khai chậm tiến độ, phương án giải phóng mặt bằng không khả thi; việc ký hợp đồng thuê đất ở một số dự án sử dụng đất chưa thể hiện tiền thuê đất trong nội dung hợp đồng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho tổ chức nhưng không có sơ đồ thửa đất trong giấy chứng nhận.

Từ nội dung kết luận nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Sơn La tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền được phân cấp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý; đồng thời chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cá nhân nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến các thiếu sót, sai phạm được nêu trong Kết luận thanh tra và các Biên bản làm việc của Đoàn thanh tra, từ đó xác định hình thức xử lý phù hợp quy định của pháp luật.

P.V