Đối với việc giam giữ phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, Hướng dẫn liên ngành số 16 nêu rõ: Trường hợp phạm nhân được trích xuất với tư cách là bị can trong vụ án khác mà có lệnh, quyết định tạm giam của cơ quan có thẩm quyền thì bố trí giam tại buồng tạm giam trong nhà tạm giữ, phân trại tạm giam của trại tạm giam và thực hiện chế độ của người bị tạm giam theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp phạm nhân được trích xuất với tư cách là bị can mà cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng biện pháp tạm giam theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc Tòa án trích xuất phạm nhân với tư cách bị cáo trong vụ án khác để phục vụ xét xử (không có lệnh, quyết định tạm giam) thì bố trí giam tại buồng giam người đang chờ chấp hành án phạt tù trong nhà tạm giữ, phân trại tạm giam của trại tạm giam (không giam chung với người đang chờ chấp hành án phạt tù khác) và thực hiện chế độ của người bị tạm giam theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp phạm nhân có án phạt tù từ 5 năm trở xuống được trích xuất không phải là bị can, bị cáo trong vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì bố trí giam tại buồng quản lý phạm nhân trong nhà tạm giữ, phân trại quản lý phạm nhân của trại tạm giam (không giam chung với phạm nhân dạng chấp hành án) và thực hiện chế độ của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

leftcenterrightdel
 VKSND cấp huyện trực tiếp kiểm sát đột xuất tại Nhà tạm giữ Công an cùng cấp. (Ảnh minh hoạ)

Trường hợp phạm nhân có án phạt tù trên 5 năm được trích xuất không phải là bị can, bị cáo trong vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì bố trí giam tại buồng giam người đang chờ chấp hành án phạt tù trong nhà tạm giữ, phân trại tạm giam của trại tạm giam (không giam chung với người đang chờ chấp hành án phạt tù khác) và thực hiện chế độ của phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Về thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ từ các buồng tạm giữ của đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong CAND, theo Hướng dẫn liên ngành số 16: Vận dụng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10, điểm d khoản 2 Điều 12 và điểm d khoản 4 Điều 19 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ từ buồng tạm giữ của Đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong CAND trong phạm vi cấp tỉnh do Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh quyết định.

Đối với việc tiếp nhận, chuyển giao phạm nhân trốn trại giam bị bắt hoặc đầu thú theo quyết định truy nã và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, Hướng dẫn liên ngành số 16 nêu rõ:

Trường hợp phạm nhân trốn khỏi trại giam chỉ có quyết định truy nã của trại giam nơi đối tượng trốn (không có quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can), khi bị bắt lại hoặc đối tượng ra đầu thú, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ thì việc bàn giao đối tượng giữa Công an địa phương nơi đối tượng bị bắt hoặc đầu thú với trại giam nơi đối tượng chấp hành án phạt tù bỏ trốn được thực hiện theo Điều 42 Luật Thi hành án hình sự về giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn; 

Điều 13 Thông tư liên tịch số 13 ngày 9/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSND tối cao, TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã và Điều 12 Thông tư số 39/2021/TT-BCA ngày 12/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác truy nã của CAND. Không thực hiện thủ tục điều chuyển người bị tạm giữ trong trường hợp này.

Trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ, trại giam nơi phạm nhân trốn phải có trách nhiệm đến nhận đối tượng từ Cơ quan điều tra nơi bắt hoặc tiếp nhận đầu thú.

P.V