Việc ban hành Hướng dẫn nhằm thực hiện thống nhất công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (GĐT, TT) và thủ tục đặc biệt, bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Thứ nhất, trường hợp người gửi đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT đối với Quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm của TAND cấp cao thì Quyết định đình chỉ xét xử GĐT, TT không phải là đối tượng xem xét kháng nghị GĐT, TT vì theo quy định tại Điều 381 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS), Điều 335 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) và Điều 265 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) thì căn cứ đình chỉ xét xử GĐT, TT là khi người có thẩm quyền kháng nghị rút kháng nghị).

Trường hợp người gửi đơn tiếp tục có đơn đề nghị GĐT, TT đối với Quyết định đình chỉ xét xử GĐT, TT của TAND cấp cao, để đảm bảo quyền lợi của đương sự được xem xét ở hai cấp theo thủ tục GĐT, TT, Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12), VKSND tối cao chuyển đơn đến đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao để xem xét xử lý theo hướng: Nếu đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT có nội dung mới (người gửi đơn mới và đơn có nội dung mới hoặc người gửi đơn cũ nhưng đơn có nội dung mới) thì đơn vị nghiệp vụ chuyển lại VKSND cấp cao xem xét giải quyết. Nếu đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT nội dung không có gì mới so với đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT ban đầu, đơn vị nghiệp vụ VKSND tối cao xem xét giải quyết.

Thứ hai, trường hợp đơn vừa có nội dung khiếu nại Thông báo vừa có nội dung tố cáo người ký Thông báo không kháng nghị GĐT, TT, nhưng nội dung đơn chỉ tập trung phân tích những điểm mà người gửi đơn cho rằng Bản án, Quyết định và Thông báo có sai lầm, và không kèm theo tài liệu, chứng cứ (về hành vi vi phạm pháp luật hay việc ban hành Thông báo có vi phạm pháp luật khác) thì cần thống nhất nhận thức: Về bản chất, nội dung đơn này chỉ phản ánh việc không đồng ý với Thông báo thì chuyển sang tố cáo. Trường hợp này không thụ lý giải quyết tố cáo (theo Điều 29 Luật tố cáo) và chuyển đơn đến đơn vị nghiệp vụ có liên quan để xem xét, giải quyết khiếu nại Thông báo và đề nghị kháng nghị GĐT, TT bản án, quyết định.

Trường hợp đơn chỉ có nội dung tố cáo người ký Thông báo thì đề xuất xử lý đơn theo quy định của pháp luật về giải quyết tố cáo.

leftcenterrightdel
 Viện kiểm sát các cấp luôn tăng cường, chú trọng đến công tác tiếp công dân. (Ảnh minh hoạ)

Thứ ba, đối với đơn đề nghị xem xét theo thủ tục đặc biệt Quyết định GĐT, TT của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hiện pháp luật tố tụng, quy định của ngành KSND không quy định thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết đơn đề nghị xem xét theo thủ tục đặc biệt Quyết định GĐT, TT của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, do việc kiến nghị xem xét theo thủ tục đặc biệt là trách nhiệm của Viện trưởng VKSND tối cao (khi có căn cứ xác định Quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có vi phạm nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định) mà không phụ thuộc vào việc đương sự có đơn hay không có đơn đề nghị. Khi nhận đơn Vụ 12, VKSND tối cao chuyển đơn đến các đơn vị nghiệp vụ để nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, quyết định. 

Thứ tư, đối với trường hợp TAND chuyển đơn đề nghị GĐT, TT đến VKSND nhưng VKSND đã ban hành Thông báo không kháng nghị GĐT, TT đồng thời đã trả hồ sơ cho Tòa án, thì VKSND rà soát kết quả giải quyết đơn và gửi văn bản trao đổi (kèm theo danh sách và đơn) đến TAND cùng cấp để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp TAND chuyển đơn nhưng VKSND đã có hồ sơ giải quyết và chưa ban hành văn bản giải quyết thì trường hợp này VKSND đã cấp giấy xác nhận đơn, thụ lý, rút hồ sơ vụ án và đang giải quyết sẽ chuyển tiếp đơn đến đơn vị nghiệp vụ để tiếp tục xem xét, giải quyết.

Thứ năm, đối với các trường hợp công dân gửi đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT quá thời hạn nhưng có lý do (như ốm đau, bệnh tật, nằm viện, do ảnh hưởng COVID.. hoặc nhận được Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật chậm theo quy định), về cơ bản, do luật hiện hành không quy định loại trừ những trường hợp này nên VKSND sẽ thực hiện việc trả lại đơn cho người gửi đơn, trừ một số trường hợp đặc biệt thì cần báo cáo lãnh đạo Viện xem xét quyết định.

Thứ sáu, đối với đơn khiếu nại Thông báo không kháng nghị GĐT, TT của VKSND cấp cao, Kiểm sát viên cao cấp giữ chức vụ Viện trưởng Viện nghiệp vụ được phân công ký Thông báo không kháng nghị, khi phát sinh khiếu nại đối với Thông báo không kháng nghị thì lãnh đạo VKSND cấp cao giải quyết. Trường hợp khiếu nại thông báo do lãnh đạo VKSND cấp cao ký thì Vụ 12, VKSND tối cao sẽ tiếp nhận và chuyển đơn đến các đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao để nghiên cứu, xem xét và xử lý theo hướng: Nếu đơn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định số 02 ngày 26/10/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao thì vụ nghiệp vụ có trách nhiệm xử lý, giải quyết đơn; đối với các trường hợp còn lại, vụ nghiệp vụ sẽ chuyển lại VKSND cấp cao đã ban hành Thông báo để xem xét, xử lý đơn.

Ngoài ra, Hướng dẫn còn nêu rõ các trường hợp VKSND trả lại đơn cho người gửi đơn và nêu rõ lý do trả lại đơn, gồm: (1) Trường hợp khiếu nại Thông báo không kháng nghị GĐT và tiếp tục đề nghị GĐT đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà bản án, quyết định đó đã có hiệu lực trên 3 năm (theo Luật TTHC) hoặc 5 năm (theo Bộ luật TTDS); (2) Trường hợp người gửi đơn đề nghị cho biết kết quả giải quyết đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT khi VKSND tối cao đang giải quyết đơn của người gửi đơn khác; (3) Trường hợp người gửi đơn đề nghị xem xét không kháng nghị GĐT, TT, giữ nguyên Quyết định, Bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND; (4) Trường hợp người gửi đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT trong TTDS, TTHC nhưng không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu; sau khi hết thời hạn, VKSND trả lại đơn, nhưng sau đó lại tiếp tục gửi đơn vẫn không bổ sung theo yêu cầu, hoặc có bổ sung tài liệu nhưng đã quá hạn 1 năm; (5) Trường hợp đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT đối với Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của TAND cấp cao.

P.V