Công văn của VKSND tối cao nêu rõ, ngày 18/8/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thay thế Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2022 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Thông báo số 20- TB/TW ngày 8/9/2022 về chủ trương bố trí công tác thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Hiện nay, VKSND tối cao đang dự thảo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, thôi giữ chức vụ trong ngành KSND thay thế Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 400/QĐ-VKSTC ngày 17/11/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Trong khi chờ xây dựng sửa đổi Quy chế, bên cạnh việc thực hiên quy chế số 400/QĐ-VKSTC ngày 17/11/2021, VKSND tối cao yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung mới về công tác bổ nhiệm và bố trí công tác đối với cán bộ, công chức sau khi bị kỷ luật.

leftcenterrightdel
 Lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu nguồn quy hoạch chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, đối với việc lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý VKSND các cấp: Tại bước 2, bước 3, bước 4 Phụ lục số 01 Quy chế về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số: 400/QĐ-VKSTC ngày 17/11/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định về nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn, như sau:

“Mỗi thành viên giới thiệu 1 người cho một chức vụ; người nào đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu hợp lệ thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 2 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu hội nghị tiếp theo”.

Nay quy định về nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn như sau: Mỗi thành viên giới thiệu 1 người cho một chức vụ; người nào đạt số phiếu đồng ý cao nhất trên 50% tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn tất cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp theo. Trường hợp không có người đạt số phiếu 30% trở lên thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức vụ cao hơn: Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cán bộ, công chức bị kỷ luật thì không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.

Việc bố trí công tác đối với cán bộ, công chức sau khi bị kỷ luật: Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và pháp luật của nhà nước, của Ngành về việc miễn nhiệm, từ chức đối với công chức; kịp thời thay thế những công chức bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho công chức bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.

Khuyến khích công chức bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Việc bố trí công chức sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo định hướng như sau: Công chức tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.

Công chức có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí như sau: a) Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm: Công chức bị kỷ luật thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể, chỉ làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.

b) Trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên: Cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc như Khoản a nêu trên. 

Công chức sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

P.V