VKSND tối cao vừa ban hành Kế hoạch số 41/KH-VKSTC về việc tiếp công dân của Viện trưởng VKSND tối cao. Kế hoạch ban hành nhằm tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức tiếp công dân.

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân còn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân của VKSND tối cao; tăng cường sự đối thoại với người dân và nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; đồng thời, kịp thời xử lý, ngăn chặn các tình huống phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp; hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài và vượt cấp.

Đối với việc tiếp công dân định kỳ, Kế hoạch nêu rõ, Viện trưởng VKSND tối cao định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày đối với các trường hợp: Vụ việc đã được giải quyết bằng văn bản có hiệu lực pháp luật hoặc đã hết thẩm quyền nhưng công dân đề nghị kiểm tra lại; vụ việc công dân đã gửi đơn nhiều lần, có dấu hiệu oan, sai, được dư luận quan tâm nhưng chưa được kiểm tra xem xét, giải quyết. 

Viện trưởng VKSND tối cao có thể ủy quyền cho một Phó Viện trưởng phụ trách khối nghiệp vụ có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thực hiện việc tiếp công dân.

Đối với việc tiếp công dân đột xuất, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp công dân đột xuất trong trường hợp: Vụ việc có tính chất phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau.

leftcenterrightdel
 Trụ sở tiếp công dân của VKSND tối cao. 

Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân; ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Về địa điểm, Viện trưởng VKSND tối cao thực hiện việc tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân thuộc VKSND tối cao hoặc nơi khác do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định

Ngoài các nội dung trên, Kế hoạch còn đề cập đến nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao như Vụ 12, Văn phòng, các đơn vị nghiệp vụ.

Trong đó, Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp VKSND tối cao (Vụ 12) lập danh sách công dân được tiếp định kỳ trình Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo và gửi đến các đơn vị nghiệp vụ có liên quan trước ngày cuối cùng của tháng liền trước để chuẩn bị nội dung tham mưu giúp Viện trưởng tiếp công dân.

Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện yêu cầu của Viện trưởng về việc tiếp công dân; ban hành thông báo kết quả kiểm tra đối với những vụ việc đã được giải quyết bằng văn bản có hiệu lực pháp luật nhưng thuộc trường hợp cần được kiểm tra lại; tham gia tiếp công dân cùng Viện trưởng, ghi nhận nội dung tiếp công dân của Viện trưởng; đồng thời thông báo kết luận hoặc ý kiến chỉ đạo khác của Viện trưởng trong việc tiếp công dân.

Các đơn vị nghiệp vụ liên quan thuộc VKSND tối cao nghiên cứu, báo cáo đầy đủ hồ sơ tài liệu có liên quan đến vụ việc Viện trưởng tiếp công dân; tham gia tiếp công dân cùng Viện trưởng trong trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị nghiệp vụ đó hoặc phối hợp giải quyết khi được yêu cầu và thực hiện yêu cầu, kết luận, ý kiến chỉ đạo khác của Viện trưởng VKSND tối cao.

Đối với vụ việc đã được giải quyết bằng văn bản đã có hiệu lực pháp luật nhưng thuộc trường hợp cần được kiểm tra lại, các đơn vị nghiệp vụ báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao kết quả kiểm tra bằng văn bản và gửi Vụ 12 để thông báo cho công dân.

P.V