Tăng thẩm quyền điều tra của Cơ quan Điều tra VKSND tối cao
Trước đây, theo quy định tại Điều 3 Luật tổ chức VKSND năm 2002; Điều 18 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004; Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Cơ quan điều tra VKSND tối cao chỉ điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp, thì nay theo quy định của các đạo luật mới, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra đối với 38 tội, gồm: Các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp (24 tội quy định tại Chương XXIV Bộ luật Hình sự năm 2015); Các tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, (14 tội quy định tại Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015).
|
|
Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND tối cao khám xét phòng làm việc của 1 bị can. |
Trước đây phạm vi và địa bàn điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thường chỉ diễn ra ở cấp trung ương, cấp tỉnh, huyện, thì nay, theo quy định mới của pháp luật, phạm vi và địa bàn điều tra được mở rộng đến Công an các xã, phường, thị trấn, đồn Công an và các cơ quan, cá nhân, tổ chức khác có thẩm quyền tham gia vào hoạt động tố tụng - theo quy định tại Điều 44 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Đặc điểm của các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp nói chung và tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp nói riêng có tính chất đặc biệt. Bởi chủ thể phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan Thi hành án và những người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, nhóm chủ thể này là những người có trình độ, kiến thức, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn và có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp…do đó thường có thủ đoạn phạm tội, che giấu, chống đối rất tinh vi nên rất khó khăn trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đối với nhóm chủ thể này. Vì vậy, đòi hỏi cần phải có một lực lượng điều tra chính quy, chuyên nghiệp, có bản lĩnh mới đảm đương được nhiệm vụ mới theo quy định của pháp luật.
Tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao
Kể từ ngày 01/01/2018, khi Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 có hiệu lực, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, chức chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp xảy ra tại các ngành: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, Thi hành án dân sự… được cơ quan điều tra VKSND tối cao phát hiện, ra quyết định khởi tố điều tra, tiến hành kiểm tra, xác minh. Điển hình như:
(1) Vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công an tỉnh Cao Bằng: Trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự, Đàm Thị Lê, nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cùng đồng phạm đã có hành vi chiếm đoạt của bị can Hoàng Thị Mượt tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng.
(2) Vụ án “Nhận hối lộ”, xảy ra tại VKSND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh: trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án Cao Văn Tuyển phạm tội “Cố ý gây thương tích”, Đặng Trường An, nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Tân Châu đã nhận của người nhà bị can số tiền 2.500 USD để giúp cho bị can xét xử được hưởng án treo.
|
|
Điều tra viên Cơ quan Điều tra VKSND tối cao tống đạt quyết định khởi tố bị can Giáp Văn Huyên. |
(3) Vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại TAND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang: trong quá trình giải quyết vụ án Hoàng Văn Thuấn cùng đồng phạm, phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Giáp Văn Huyên, nguyên Thẩm phán TAND huyện Hiệp Hòa đã có hành vi đòi và nhận hối lộ của các bị cáo tổng số tiền 19 triệu đồng và hứa hẹn xử nhẹ tội cho các bị cáo.
(4) Vụ án “Tham ô tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ: trong thời gian giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Việt Trì, Nguyễn Thị Bích Lương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Việt Trì (từ năm 2015 đến tháng 5/2017) và Phạm Thành Đoan, nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Việt Trì (từ tháng 9/2017 đến tháng 3/2018) đã có hành vi buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm để Trần Thị Thanh Hòa, nguyên Kế toán trưởng làm giả 14 bộ chứng từ, 37 quyết định xử lý tiền tạm giữ tại kho bạc và 37 ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử giả mạo, chiếm đoạt hơn 6,6 tỉ đồng.
Từ thời điểm Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục được giao trọng trách mới, được luật hóa và mở rộng thẩm quyền điều tra, tổ chức và hoạt động ngày càng được củng cố và tăng cường. Điều đó thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, ngành Kiểm sát nhân dân và nhân dân đối với hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
Hành vi tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp rất đặc thù, có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp. Thời gian qua số lượng vụ, việc Cơ quan điều tra phát hiện, xử lý không nhiều, nhưng tính răn đe, phòng ngừa và hiệu quả rất cao. Tổng kết thực tiễn trong những năm qua cho thấy, về cơ bản, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kết hợp hài hòa giữa đấu tranh với phòng ngừa, trong đó lấy phòng ngừa làm chính.
Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 17/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác điều tra của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao Trong đó, nhấn mạnh “Cơ quan điều tra của VKSND tối cao là thiết chế kiểm soát quyền lực tư pháp, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tư pháp trong sạch, vững mạnh; đồng thời là cơ chế để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động từ pháp. Do vậy, phải tập trung tăng cường các nguồn lực nhằm xây dựng Cơ quan điều tra của VKSND tối cao đủ mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
|