Đây là nội dung được đề cập tại Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC của VKSND tối cao về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử (THQCT, KSĐT, KSXX) sơ thẩm án ma túy năm 2022.

Theo đó, trong công tác phối hợp, khi được thông báo, Viện kiểm sát cấp dưới cần chủ động phối hợp với Viện kiểm sát cấp trên để giải quyết các vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra theo quy định tại đoạn 3 Khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự; giữ mối liên hệ chặt chẽ với Viện kiểm sát cấp trên xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án. 

Đối với các vụ án Viện kiểm sát cấp dưới hết thẩm quyền gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam bị can phải đề nghị Viện kiểm sát cấp trên quyết định gia hạn điều tra và gia hạn tạm giam. Viện kiểm sát cấp dưới phải có văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ vụ án) tại Viện kiểm sát cấp trên trước thời điểm hết hạn ít nhất là 10 ngày. 

Bên cạnh đó, qua thực tiễn xử lý các vụ án, vụ việc có liên quan đến ma túy cho thấy Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bộc lộ một số điểm chưa sát với thực tế hoặc còn có những cách hiểu khác nhau, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản giải thích hoặc hướng dẫn thì Viện kiểm sát các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, trao đổi để có đồng thuận hoặc thu hẹp sự khác biệt về nhận thức pháp luật giúp cho việc giải quyết vụ án, vụ việc được thuận lợi. 

Mặt khác, Viện kiểm sát cấp tỉnh phối hợp với VKSND tối cao (Vụ 4) thực hiện 2 chuyên đề nghiệp vụ “Án tạm đình chỉ” và “Án trả hồ sơ để điều tra bổ sung”. Tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo phục vụ sơ kết, tổng kết toàn Ngành và báo cáo phục vụ xây dựng báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên kiểm sát việc thực nghiệm điều tra trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy. (Ảnh minh hoạ)

Riêng chuyên đề “Án tạm đình chỉ”, các Viện kiểm sát địa phương tiếp tục chủ động phối hợp với CQĐT, Tòa án cùng cấp thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; lưu ý việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ về lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo Điểm d Khoản 1 Điều 148, Điểm c Khoản 1 Điều 299, Điểm c Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Định kỳ rà soát và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ điều tra, không để xảy ra oan, sai và để lọt tội phạm. 

Cùng với đó, các Viện kiểm sát địa phương phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm ma túy và Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy (26/6) năm 2022 của Ban Chỉ đạo 138 ngành KSND. Tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo phân tích, đánh giá diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy trên địa bàn, dự báo xu hướng thời gian tiếp theo.

Đồng thời, phối hợp trong theo dõi việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, bị can do không phạm tội và đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự. Định kỳ hằng tháng, 6 tháng, 12 tháng và thời điểm xây dựng báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp Quốc hội, Viện kiểm sát cấp huyện phải có báo cáo gửi Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp tỉnh phải có báo cáo tổng hợp các trường hợp đình chỉ do không phạm tội và đình chỉ theo Điều 29 Bộ luật Hình sự trong lĩnh vực án ma túy gửi về Vụ 4. 

Trường hợp trong kỳ báo cáo không có trường hợp đình chỉ nào phát sinh cũng phải gửi báo cáo để khẳng định chắc chắn về số liệu. Khi phát sinh các trường hợp đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo hoặc miễn trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực ma túy, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh phải tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định trách nhiệm cá nhân và báo cáo kết quả đến Vụ 4 (pho to toàn bộ hồ sơ vụ án và hồ sơ kiểm sát gửi kèm theo) để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm theo lĩnh vực công tác được phân công.

Trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp dưới, Hướng dẫn nêu rõ, Viện kiểm sát cấp trên cần chủ động, linh hoạt trong lựa chọn hình thức kiểm tra như: Tự kiểm tra, trực tiếp kiểm tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra chéo... Nội dung kiểm tra phải bám sát Chỉ thị công tác năm 2022 của Viện trưởng VKSND tối cao, Kế hoạch kiểm tra của ngành KSND năm 2022 và tình hình thực tế của địa phương, kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm các vụ án hình sự về ma túy. 

Ngoài ra, Viện kiểm sát cấp trên thực hiện phân công lãnh đạo, Kiểm sát viên theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn công tác nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp dưới theo từng địa bàn cụ thể; để việc theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn có hiệu quả, chất lượng cần gắn trách nhiệm của cá nhân với kết quả công tác của địa bàn được phân công theo dõi, lấy kết quả đó để đánh giá thành tích cá nhân và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm. 

P.V