Một số khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Viện kiểm sát

Tại điểm c khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 (BLTTHS) quy định VKS giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

Với quy định trên thì trường hợp VKS yêu cầu bằng văn bản, Cơ quan có thẩm quyền điều tra có khắc phục vi phạm nhưng khắc phục không được đầy đủ, VKS sẽ không có cơ sở yêu cầu chuyển hồ sơ để trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số vụ việc VKS trực tiếp tiến hành kiểm tra, xác minh còn hạn chế.

Ngoài ra, Bộ luật này và các văn bản có liên quan còn thiếu quy định về thời hạn Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải trả lời về kết quả thực hiện yêu cầu của VKS, làm cho công tác kiểm sát việc khắc phục các vi phạm gặp khó khăn.

leftcenterrightdel

Kiểm sát tin báo tại Cơ quan có thẩm quyền (Ảnh của Nguyễn Thị Tâm)

Một vấn đề nữa là, khi trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, VKS khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi thế nào?

Quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 cung với điểm b, c khoản 3 Điều 147 BLTTHS cho thấy, khi trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, VKS cũng có quyền tiến hành hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Thế nhưng, tại các điều 201, 202 Bộ luật này và các văn bản khác có liên quan không có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục khi VKS tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Vậy, khi VKS tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì phải thực hiện theo quy định nào, trình tự, thủ tục thực hiện ra sao? Vấn đề này chưa được quy định rõ.

Thứ hai, về thẩm quyền phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Vấn đề đặt ra là, căn cứ nào để VKS phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sau khi VKS trực tiếp ra quyết định tạm đình chỉ nhưng rồi lý do tạm đình chỉ không còn.

Trong trường hợp VKS trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thì quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS cùng với điểm c khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này cho thấy rằng, khi hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, VKS có quyền quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp: Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả; Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

leftcenterrightdel
 Phòng 2 VKSND TP Hà Nội phối hợp Công an khám nghiệm hiện trường vụ án. Ảnh Phòng 2 VKSND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, BLTTHS lại không quy định cho VKS quyền ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 149). Như vậy là chưa đầy đủ, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của VKS.

Ví dụ: Cơ quan điều tra huyện A có vi phạm pháp luật trong việc giải quyết tố giác đối với vụ việc T có hành vi gây thương tích cho anh L, xảy ra ngày 02/7/2020, VKS đã yêu cầu khắc phục vi phạm nhưng không được khắc phục, cho nên VKS đã rút hồ sơ và phân công KSV trực tiếp giải quyết tố giác này. Quá trình giải quyết, nhận thấy T có dấu hiệu bệnh tâm thần, VKS đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp y để xác định năng lực trách nhiệm hình sự của T.

Đến ngày 02/11/2020, thời hạn giải quyết tố giác đã hết mà vẫn chưa có kết luận giám định, do đó VKS đã ra quyết định tạm đình chỉ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 148 BLTTHS. Ngày 13/12/2020, VKS nhận được kết luận giám định pháp y tâm thần, kết luận T chỉ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, cần phải phục hồi tố giác này để tiếp tục giải quyết. Ở đây, vấn đề đặt ra là VKS căn cứ quy định nào để ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác khi mà Điều 149 BLTTHS không ghi nhận thẩm quyền này cho VKS.

Thứ ba, trong việc chuyển biên bản, tài liệu cho Viện kiểm sát

Khoản 5 Điều 88 BLTTHS là quy định mới được bổ sung vào BLTTHS 2015. Sau một thời gian áp dụng cho thấy sự bổ sung này là rất cần thiết, bảo đảm cho hoạt động kiểm sát điều tra được chặt chẽ, đầy đủ, toàn diện và kịp thời. Vậy nhưng, thực tế áp dụng cho thấy quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS vẫn còn chưa đầy đủ khi chỉ đặt ra trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền điều tra trong việc chuyển các biên bản về hoạt động điều tra, các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được hoặc nhận được liên quan đến vụ án cho VKS để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, mà không bắt buộc các cơ quan này phải chuyển các biên bản, tài liệu đã thu thập được hoặc nhận được trong giai đoạn khởi tố, cụ thể là các biên bản, tài liệu trong hoạt động kiểm tra, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho VKS.

Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bởi lẽ, nếu cơ quan có thẩm quyền điều tra không chuyển cho VKS các biên bản, tài liệu về hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm mà KSV không trực tiếp kiểm sát thì VKS không thể nắm chắc, kiểm sát được kịp thời tính có căn cứ, hợp pháp của các biên bản, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền điều tra thu thập hoặc nhận được trong giai đoạn này.

Đồng thời, VKS cũng không nắm chắc được tiến độ, chất lượng hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan có thẩm quyền điều tra (như các hoạt động nào đã được tiến hành, việc thu thập tài liệu, chứng cứ đã đầy đủ hay chưa? Có vi phạm gì không?), để từ đó kịp thời trao đổi, yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện các hoạt động cần thiết, cũng như bổ sung tài liệu, khắc phục vi phạm, thiếu sót xảy ra. Đến khi các cơ quan này chuyển hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, VKS phát hiện vi phạm thì việc khắc phục sẽ gặp nhiều khó khăn, có vi phạm không thể khắc phục được nữa, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

leftcenterrightdel

KSV nghiên cứu tài liệu, chứng cứ (Ảnh: VKS Đà Nẵng) 

Ngoài ra, cụm từ “biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này” tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS theo tôi cũng chưa thật sự rõ ràng, dẫn đến nhận thức, áp dụng khác nhau giữa các ngành, các đơn vị trong quá trình tiến hành tố tụng.

Có ý kiến cho rằng cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ phải gửi các biên bản, tài liệu liên quan đến 7 hoạt động điều tra mà BLTTHS bắt buộc Kiểm sát viên tham gia nhưng Kiểm sát viên đã không có mặt, bao gồm khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét và thực nghiệm điều tra.

Ý kiến khác lại cho rằng, cơ quan có thẩm quyền điều tra phải chuyển cho VKS tất cả các biên bản về hoạt động điều tra (bao gồm 7 hoạt động bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia và các hoạt động điều tra khác như hỏi cung bị can, lấy lời khai đương sự), tài liệu thu thập được, nhận được liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không có mặt để kiểm sát.

Trong thực tiễn, tại một số đơn vị, KSV đã trao đổi, đề nghị Cơ quan có thẩm quyền điều tra, Điều tra viên phối hợp trong việc chuyển kịp thời các biên bản, tài liệu trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho VKS để kiểm sát, điều này đã giúp KSV nắm chắc hồ sơ vụ việc, theo dõi chặt chẽ tiến độ, chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, qua đó đề ra các yêu cầu kiểm tra, xác minh đúng hướng, đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Vì vậy, thiết nghĩ nên bổ sung quy định về trách nhiệm và thời hạn Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải chuyển các biên bản, tài liệu trong hoạt động kiểm tra, xác minh cho VKS.

Thứ tư, thiếu vắng thời hạn bổ sung chứng cứ để xem xét phê chuẩn khởi tố bị can

Trong một số vụ án, vì thiếu chứng cứ nên VKS yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn nhưng Cơ quan điều tra chậm thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, giải quyết vụ án. Trường hợp này, VKS cũng không thể kiến nghị vì Điều 179 BLTTHS không có quy định thời hạn Cơ quan điều tra phải bổ sung tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của VKS khi xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, bổ sung thời hạn Cơ quan điều tra phải bổ sung chứng cứ, tài liệu để việc xét, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của VKS được kịp thời, từ đó đẩy nhanh tiến độ công tác điều tra vụ án.

Thứ năm, chưa có mẫu văn bản kiến nghị trong giai đoạn kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiểm sát xét xử

Trong hệ thống mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ về hình sự của ngành kiểm sát chưa có mẫu kiến nghị vi phạm đối với Cơ quan điều tra và kiến nghị phòng ngừa tội phạm đối với cơ quan, tổ chức trong giải quyết nguồn tin về tội phạm; chưa có mẫu kiến nghị phòng ngừa tội phạm đối với cơ quan, tổ chức trong giai đoạn truy tố và kiến nghị vi phạm đối với Tòa án trong hoạt động xét xử, dẫn đến việc thực hiện quyền hạn này trong thực tiễn thiếu sự thống nhất về nội dung và hình thức, chẳng hạn có đơn vị vận dụng mẫu số 129, 130 trong giai đoạn điều tra của Quyết định số 15/QĐ-VKSTC để ban hành kiến nghị vi phạm trong hoạt động xét xử đối với Tòa án, lại có đơn vị ban hành kiến nghị theo dạng công văn.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên toà hình sự. Ảnh chụp qua màn hình.

2. Một số kiến nghị, đề xuất

Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự trong thời gian qua, chúng tôi kiến nghị, đề xuất một số vấn đề sau:

Thứ nhất, bổ sung vào điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS, Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT ngày 29/12/2017 và Thông tư liên tịch 01/2021/TTLT ngày 29/11/2021 quy định theo hướng:

- VKS giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục đầy đủ; đồng thời bổ sung thời hạn Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải thực hiện và trả lời bằng văn bản đối với yêu cầu của VKS.

- Thêm một khoản vào trong 2 điều luật (201, 202) của Bộ luật này và quy định như sau:

Điều 201. Khám nghiệm hiện trường

1...

4. Trường hợp Kiểm sát viên tiến hành khám nghiệm hiện trường thì thực hiện theo quy định tại Điều này.”

Điều 201. Khám nghiệm tử thi

1...

5. Trường hợp Kiểm sát viên tiến hành khám nghiệm tử thi thì thực hiện theo quy định tại Điều này.”

Thứ hai, bổ sung quy định về thẩm quyền ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho VKS vào Điều 149, 159 BLTTHS, đồng thời quy định trách nhiệm của VKS trong việc gửi quyết định này cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cụ thể:

“Điều 149. Phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan có thẩm quyền quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.

2…

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát phải gửi quyết định phục hồi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.”

Cum từ “Cơ quan có thẩm quyền” bổ sung vào khoản 1 Điều 149 BLTTHS bao gồm Cơ quan điều tra, VKS, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

leftcenterrightdel

KSV thực hành quyền công tố tại một phiên tòa (Ảnh: VKS Mai Sơn) 

Thứ ba, ngoài việc chuyển các biên bản, tài liệu trong hoạt động điều tra, cần thêm vào khoản 5 Điều 88 BLTTHS quy định về trách nhiệm của Cơ quan có thẩm quyền điều tra trong việc chuyển cho VKS các biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh, các tài liệu thu thập được, nhận được liên quan đến việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà KSV không có mặt để kiểm sát.

Điều 88. Thu thập chứng cứ

1…

5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động khởi tố, điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án, vụ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà Kiểm sát viên không có mặt để kiểm sát thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, vụ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố …”

Thứ tư, bổ sung thời hạn Cơ quan điều tra phải bổ sung tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của VKS vào khoản 3 Điều 179 BLTTHS.

“Điều 179. Khởi tố bị can

1…

3…Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra phải bổ sung chứng cứ, tài liệu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát…

Thứ năm, bổ sung vào hệ thống mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các mẫu kiến nghị khắc phục vi phạm trong giải quyết nguồn tin về tội phạm và hoạt động xét xử; kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, truy tố và xét xử.

Nguyễn Cao Cường - VKSND huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế)