Theo Bộ Tư pháp, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự (THADS), tiếp đó, Luật THADS đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022. Sau gần 15 năm triển khai thực hiện, công tác THADS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật THADS đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập; còn thiếu một số quy định hoặc quy định không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật liên quan.

Việc ban hành Luật THADS (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động THADS; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng tổ chức THADS, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại được tổ chức thực hiện hiệu quả. 

Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt được mục đích sửa đổi như đã đặt ra, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, đề xuất sửa đổi Luật THADS tập trung vào 5 nhóm chính sách, định hướng lớn gồm:

Chính sách 1: Xác định rõ phạm vi hoạt động, phạm vi các bản án, quyết định mà cơ quan THADS tổ chức thi hành và các nguyên tắc cơ bản trong THADS.

Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND kiểm sát cưỡng chế THADS. (Ảnh minh hoạ)

Chính sách 3: Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THADS, VKSND, TAND, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS.

Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả THADS.

Chính sách 5: Đảm bảo nguồn lực để tổ chức THADS.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong THADS, dự kiến Đề cương chi tiết dự thảo Luật nêu rõ:

1. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong THADS có những nhiệm vụ, quyền hạn: a) Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án; 

b) Yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan THADS cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho VKSND; yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Luật này;

c) Trực tiếp kiểm sát hoạt động THADS của cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát;

d) Tham gia phiên họp của Tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và phát biểu quan điểm của VKSND;

đ) Kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan THADS cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa;

e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát theo quy định của luật này.

2. Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát về hành vi, quyết định của mình.

Về kiểm sát việc thi hành án, theo Đề cương chi tiết dự thảo Luật: VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc THADS.

Khi kiểm sát THADS, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định của Tòa án;

b) Yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan THADS cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho VKSND; yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Luật này;

c) Trực tiếp kiểm sát hoạt động THADS của cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát;

d) Tham gia phiên họp của Tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và phát biểu quan điểm của VKSND;

đ) Kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan THADS cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa;

e) Kháng nghị hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan THADS cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

P.V