Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.  

Theo cơ quan chủ trì xây dựng, thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Đây là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoạt động THADS là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, khai thông nguồn lực tài chính, góp phần cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác THADS, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật THADS, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022. Đến nay, sau 15 năm triển khai thực hiện Luật THADS, hệ thống THADS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả THADS không ngừng nâng cao, năm sau luôn cao hơn năm trước và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS Quốc hội giao hàng năm. Kết quả thi hành án về việc liên tục tăng mặc dù tổng số thụ lý hàng năm tăng, trong đó có những năm tăng đột biến.

leftcenterrightdel
 VKSND trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS cùng cấp. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thi hành Luật THADS và các văn bản quy định chi tiết còn chưa đạt kết quả như mong muốn do Luật THADS hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được đánh giá, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Theo đó, kết quả THADS chưa thực sự ổn định, bền vững. Tổng số việc còn phải thi hành chuyển sang kỳ sau qua các năm tuy có giảm nhưng vẫn cao; một số lượng án có điều kiện nhưng chưa tổ chức thi hành xong; số chưa có điều kiện thi hành án, nhất là về tiền vẫn chiếm tỉ lệ cao so với tổng số tiền phải thi hành. Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt được còn thấp.

Lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều; một số vụ việc phức tạp kéo dài, được dư luận quan tâm chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, chính trị, xã hội, cũng như tín nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của cơ quan THADS.

Cũng theo cơ quan chủ trì xây dựng, việc ban hành Luật THADS (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động THADS; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng tổ chức THADS, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại được tổ chức thực hiện hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.

Đề nghị sửa đổi Luật THADS (sửa đổi) nêu lên 5 chính sách bao gồm:

Chính sách 1: Phạm vi hoạt động, phạm vi các bản án, quyết định mà cơ quan THADS tổ chức thi hành và các nguyên tắc cơ bản trong THADS.

Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác.

Chính sách 3: Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS, VKSND, TAND, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS

Chính sách 4: Hoàn thiện trình tự, thủ tục THADS.

Chính sách 5: Đảm bảo nguồn lực để tổ chức THADS.

P.V