Hôm nay (22/6), TAND cấp cao tại TP HCM sẽ mở phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Đại Tín, gây thiệt hại hơn 1.338 tỉ đồng.

Phiên tòa dự kiến bắt đầu xử từ ngày 22/6 kéo dài đến ngày 29/6. Hội đồng xét xử do thẩm phán Phan Thanh Tùng làm chủ tọa cùng hai thẩm phán Trần Văn Mười và Trần Thị Thu Thủy. Thẩm phán dự khuyết cho HĐXX là ông Nguyễn Đắc Minh. Kiểm sát viên tại phiên xét xử là hai ông Đặng Quốc Việt và Võ Phong Lưu.

leftcenterrightdel
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa trước. 

Theo đó, các bị cáo Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Đại Tín, nguyên chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ; Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ); Lâm Kim Dũng (nguyên giám đốc công ty TNHH Địa ốc Lam Giang); Huỳnh Thị Xuân Dung, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Phạm Hồng Hảo bị xét xử về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo nội dung vụ án, Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% cổ phần ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt Trustbank, năm 2013 đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB) và cố vấn cao cấp HĐQT, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động của Trustbank.

Cụ thể, Phấn có hành vi chỉ đạo Trustbank đầu tư trái pháp luật vào 4 bất động sản do 3 công ty của Hứa Thị Phấn làm chủ đầu tư, để Phấn chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỉ đồng. Ngoài ra, Hứa Thị Phấn dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo lãnh đạo Trustbank mua 4 bất động sản, qua đó, Hứa Thị Phấn chiếm đoạt 437 tỉ đồng. Hành vi của Hứa Thị Phấn gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Hứa Thị Phấn tại phiên tòa trước.

Cuối năm ngoái, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù, tổng hợp với các bản án giai đoạn 1 là 30 năm tù. Cấp dưới thân tín là Bùi Thị Kim Loan (cựu kế toán công ty TNHH Phú Mỹ, Phó Giám đốc công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn) bị phạt 7 năm tù. Tổng hợp với bản án giai đoạn 1, bị cáo phải chấp hành chung là 30 năm tù.

Về nghĩa vụ dân sự, HĐXX buộc bị cáo Hứa Thị Phấn bồi thường hơn 437 tỉ đồng, bị cáo Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh phải bồi thường 901 tỉ đồng. Đáng chú ý, HĐXX công nhận 97/114 bất động sản thuộc quyền sử dụng của tập đoàn Thiên Thanh và bị án Phạm Công Danh. Tuy nhiên, để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Phạm Công Danh trong các bản án khác nên tiếp tục kê biên.

Sau bản án sơ thẩm, Viện trưởng VKSND TP HCM quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm. Theo kháng nghị, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Hứa Thị Phấn phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền 901 tỉ đồng đã chiếm đoạt, trách nhiệm hình sự phải gắn liền với trách nhiệm dân sự. 

Vì vậy, cấp sơ thẩm buộc bị án Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh bồi thường là không phù hợp, trái pháp luật.

Về 17 bất động sản ở Bình Dương thuộc 114 bất động sản đang được kê biên, để đảm bảo cho nghĩa vụ 29 khoản vay của Hứa Thị Phấn chuyển giao cho Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh (khi mua ngân hàng).

 Viện Kiểm sát cho rằng Hứa Thị Phấn lại ký hợp đồng chuyển nhượng 90% cổ phần của Hứa Thị Phấn tại công ty Phú Mỹ cho bà Lý Kim Chi nhưng là hợp đồng không được công chứng và không được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Trong khi đó, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ tại Trustbank giữa bị án Phạm Công Danh và bà Phấn được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận. Trong đó có việc chuyển giao 114 bất động sản nói trên.

Bị án Phạm Công Danh đã chuyển số tiền 56,8 tỉ đồng cho bị cáo Hứa Thị Phấn để tất toán khoản vay được bảo đảm bằng 17 bất động sản ở Bình Dương. Do đó, 17 bất động sản này phải thuộc quyền quản lý sử dụng của Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh.

Kháng nghị nêu bà Chi chỉ trả 90% cổ phần của bà Phấn để mua dự án là 136 tỉ đồng. Một phần trong dự án có 17 bất động sản trên liên quan đến việc bà Phấn đã chuyển giao cho ông Danh. Đây là tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ 56,8 tỉ đồng.

Như vậy, việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên công ty TNHH tập đoàn đầu tư và xây dựng Tân Đông Hiệp (của bà Chi) phải nộp lại số tiền 56,8 tỉ đồng, hơn 14 tỉ đồng tiền lãi và được nhận 17 bất động sản tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp là không có căn cứ. Điều này sẽ gây thiệt hại cho nhà nước khi bà Chi chỉ phải trả các khoản tiền mà được quyền định đoạt 17 bất động sản mà Phạm Công Danh đã mua này. Bà Chi chỉ được quyền sử dụng 17 bất động sản này khi phải mua đúng giá trị thực của nó chứ không phải là tiền vay và tiền lãi cho ngân hàng.

Từ những căn cứ trên, Viện trưởng VKSND TP HCM đề nghị TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm theo hướng buộc bị cáo Hứa Thị Phấn phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 901 tỉ đồng cho Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên xây dựng Việt Nam (CB, tiền thân là Trustbank).

Đồng thời, công nhận toàn bộ 114 bất động sản là quyền sử dụng đất đang thế chấp tại CB để bảo đảm cho các khoản vay thuộc quyền sử dụng của công ty tập đoàn Thiên Thanh và bị án Phạm Công Danh. Khi Phạm Công Danh hoàn tất các nghĩa vụ trả lãi của 24 khoản vay đối với ngân hàng thì ngân hàng phải giải chấp 114 bất động sản đang thế chấp này nhưng tiếp tục duy trì lệnh kê biên./.

Tuấn Anh