Sáng nay, TAND Cấp cao tại TP. HCM tiếp tục xét xử vụ đại án Phạm Công Danh và 45 bị cáo (giai đoạn 2) đã bị tuyên xử tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng từ những năm 2013.

Bác kháng cáo của 15 bị cáo

Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm cho rằng kháng cáo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết khi cho rằng phân tách vụ án thành 2 giai đoạn và tổng hợp hình phạt đã ảnh hưởng đến mức hình phạt của các bị cáo làm cho hình phạt đối với các bị cáo trở lên nặng hơn là không đúng.

Bởi vì vụ án trong giai đoạn 1 trước đây và giai đoạn 2 hiện nay tuy cùng gây thiệt hại cho Ngân hàng xây dựng nhưng vụ án giai đoạn 1 xử lý hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay để rút tiền trực tiếp từ Ngân hàng xây dựng ra sử dụng; vụ án này xử lý hành vi cố ý làm trái trong việc sử dụng tiền gửi của Ngân hàng xây dựng bảo lãnh trái pháp luật cho 29 công ty vay vốn của 3 ngân hàng lấy tiền sử dụng.

Đây là các vụ án độc lập, xử lý các hành vi độc lập với nhau, không phải từ 1 quyết định khởi tố tách ra thành 2 vụ án khác nhau nên không làm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

leftcenterrightdel
VKS cho rằng không có cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo 

Đối với nhóm Trần Hiệp, Lê Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Phú, Phạm Văn Phúc, Lê Đài, Lê Duy Lương, Nguyễn Ngọc Thái kháng cáo xin hưởng án treo.

VKS thấy rằng, hành vi của các bị cáo đều phạm vào khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm, nhưng bị xử phạt 3 năm tù, nằm trong khung hình phạt tại khoản 1 Điều 165 BLHS là đã có sự cân nhắc, xem xét giảm nhẹ và mức án đó đã tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Trong giai đoạn phúc thẩm, các bị cáo đưa ra một số tình tiết giảm nhẹ và cho rằng án sơ thẩm chưa xem xét toàn diện. Nhưng xét thấy hậu quả các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, mức hình phạt cấp sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo đều dưới khung hình phạt theo luật định đã rất nhẹ so với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các bị cáo gây. Do đó không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo như kháng cáo của các bị cáo.

Riêng bị cáo Trần Hiệp, án sơ thẩm xử phạt 3 năm tù là phù hợp và tương xứng với vai trò của bị cáo, không có cơ sở để giảm nhẹ hoặc cho hưởng án treo. Tuy nhiên theo hồ sơ bệnh án do bị cáo cung cấp trong giai đoạn xét xử phúc thẩm thể hiện bị cáo đang điều trị bệnh ung thư Amidan giai đoạn 4, đây là loại bệnh hiểm nghèo, vấn đề này đề nghị HĐXX xem xét.

Đối với kháng cáo của các bị cáo Hoàng Long Hà và Nguyễn Ngọc Sơn là cán bộ Ngân hàng xin được hưởng hình phạt cải tạo không giam giữ.

VKS cấp cao cho rằng, mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đưa ra một số tình tiết mới nhưng hậu quả các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, hình phạt tù cho hưởng án treo mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo là tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Do đó không có căn cứ chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ như kháng cáo của các bị cáo.

 Toà án cấp sơ thẩm vi phạm quy định của Bộ luật hình sự và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phạm Công Danh tự bào chữa cho mình tại toà ngày 17/12/2018

Đối với với 4 bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên xử án treo.

VKS thấy rằng, 4 bị cáo này đều đã bị kết án trong vụ án ở giai đoạn 1, trong đó bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; các bị cáo Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao qui định về những trường hợp không cho hưởng án treo, trong đó khoản 3 quy định không cho hưởng án treo đối với: “người đang được hưởng án treo mà bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”.

Đối chiếu với quy định trên, các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh đã được hưởng án treo trong vụ án giai đoạn 1, nay tiếp tục bị xét xử về một tội phạm khác được thực hiện trước khi được hưởng án treo, nên lần xét xử này không được cho hưởng án treo nữa.

Án sơ thẩm xử phạt các bị cáo mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo là vi phạm quy định của Bộ luật hình sự và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP nêu trên. Do đó kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP.HCM về việc không áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo đối với 4 bị cáo này là có căn cứ.

Với các căn cứ trên, VKS cấp cao 3 đề nghị HĐXX Đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm theo hướng không cho các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh hưởng án treo; giữ nguyên hình phạt đối với các bị cáo còn lại. Đối với bị cáo Trần Hiệp án sơ thẩm xử phạt 3 năm tù là phù hợp, không có cơ sở để giảm nhẹ hoặc cho hưởng án treo. Nhưng hiện nay bị cáo đang bị bệnh hiểm nghèo, nên đề nghị HĐXX xem xét, quyết định.

Hoa Việt