Hà Nội: Có 54.309 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT
Theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH, giai đoạn 2016-2021, số tiền chậm đóng BHXH tăng dần qua các năm, trong đó, số tiền chậm đóng BHXH từ 3 năm trở lên chiếm trên 34% tổng số chậm đóng, trốn đóng BHXH. Số tiền chậm đóng BHXH khó thu có xu hướng ngày càng tăng, năm 2020 là 2.564 tỉ đồng, chiếm 22% tổng số chậm đóng BHXH, gấp 1,6 lần so với năm 2016 tương ứng tăng 1.000 tỉ, số đơn vị chậm đóng, trốn đóng là 9.263 đơn vị; số lao động bị ảnh hưởng là trên 62.654 lao động.
Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, tính đến tháng 6/2023 có 54.309 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT với số tiền 5.216,8 tỉ đồng, tỷ lệ số tiền chậm đóng phải tính lãi là 2,73%. Trong các đơn vị chậm đóng có 14.739 đơn vị ngừng dừng giao dịch, mất tích, chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản với số tiền là 1.688,7 tỉ đồng (chiếm 32,4% tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT).
Còn theo thống kê của BHXH tỉnh Đồng Nai tính đến ngày 30/4/2023, có 1.981 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nợ BHXH với số tiền là 372,5 tỉ đồng, trong đó nợ khó thu, giải thể, phá sản có 771 đơn vị, với số tiền nợ 294,1 tỉ đồng. Việc nợ BHXH dẫn đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) bị xâm phạm như: Không được chốt sổ, không được hưởng các chế độ, không được đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không được nghỉ hưu… Rất tiếc là các cơ chế giải quyết về vấn đề nợ BHXH hiện nay chưa hiệu quả.
Nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ
Theo đại diện Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải đóng BHXH cho NLĐ là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên trên thực tế, vì nhiều lí do khác nhau, nhiều NSDLĐ đã có hành vi vi phạm pháp luật khi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
|
|
Hà Nội công bố quyết định thanh tra việc chậm đóng, nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2022. (Ảnh minh hoạ) |
Khi NSDLĐ trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ, đó là: NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác, coi như tất cả các chế độ trước đó mà NLĐ đáng được hưởng đều bằng không.
Đại diện Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH đó là: Cơ quan BHXH chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được Quốc hội giao; một số địa phương chưa thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước BHXH; tính tuân thủ quy định của pháp luật về BHXH của một bộ phận NSDLĐ chưa cao; vẫn thiếu cơ chế để NLĐ theo dõi, giám sát việc NSDLĐ tham gia BHXH cho mình.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác đó là quy định của Luật BHXH về Công đoàn khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Về một số đề xuất nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, theo đại diện Ban Chính sách – Pháp luật, trước hết cần nâng cao nhận thức của người tham gia BHXH, tăng cường trách nhiệm giám sát của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tập trung việc chấp hành nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả thu hồi sau thanh tra, kiểm tra.
Mặt khác, cần bổ sung quy định của pháp luật đối với cơ quan BHXH có trách nhiệm xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, bổ sung quy định của Luật BHXH để làm rõ các hành vi trốn đóng BHXH.
Ngoài ra, cần bổ sung các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH, như: Phải đóng đủ số tiền trốn đóng, bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và tiền phạt trốn đóng tính trên số tiền trốn đóng BHXH; ngừng sử dụng hóa đơn đối với NSDLĐ trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người đại diện hợp pháp theo pháp luật của NSDLĐ.
Đồng thời, khởi kiện ra Tòa án đối với các chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ; khởi tố theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH; nghiên cứu, bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.
Trước thực trạng người lao động bị nợ, trốn đóng BHXH nêu trên, ngày mai (21/7), Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của NLĐ bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc” sẽ được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VKSND tối cao, Báo Lao Động và Báo Bảo vệ pháp luật thực hiện, nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2023) và 63 năm thành lập VKSND (26/7/1960 – 26/7/2023). Hội thảo sẽ cung cấp các thông tin phản ảnh toàn diện thực trạng việc nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; nâng cao hiểu biết cho NLĐ về các quy định của pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi tham gia các quan hệ lao động và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Giúp NLĐ nhận diện các hành vi vi phạm liên quan đến việc đóng BHXH bắt buộc và cách thức khởi kiện đòi bồi thường, khắc phục hậu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm hại... Đồng thời, xác định các giải pháp, kiến nghị khả thi trong việc hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc, việc truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm và bảo vệ NLĐ. |