leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 6/6.

Quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hiện nay khoảng 2 triệu người học

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giải pháp của Bộ về giáo dục nghề nghiệp là có chính sách để thu hút học sinh khá giỏi vào giáo dục nghề nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể những chính sách trên, khi nào được thực hiện? Bao giờ giáo dục nghề nghiệp mới là bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân được học sinh lựa chọn?

Trả lời chất vấn trên của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật dạy nghề. Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, so với cách đây 5 năm bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên, cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng cũng thẳng thắng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội. 

Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, điều quan trọng nhất là có sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học; ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu học lên được học liên thông. Từ định hướng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề theo hướng này.

Có chế tài mạnh mẽ đối với việc chậm, trốn đóng BHXH

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên họp, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phản ánh tình trạng chậm và trốn đóng BHXH thời gian qua. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề này?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, Bộ trưởng cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản. 

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó. 

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật BHXH, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Việc thu sai BHXH diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016

Về vấn đề liên quan đến chủ hộ kinh doanh, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, cơ quan BHXH có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016. Bộ trưởng nêu rõ, Bộ đã chấn chỉnh BHXH, về cơ bản, vấn đề này đã được giải quyết. 

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội ngày 6/6.

Bộ trưởng cho biết, đây là nội dung chưa được quy định trong Luật BHXH, do đó, cần đánh giá rất cụ thể, tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, Bộ trưởng cho rằng cần đặt lợi ích của người lao động, của chủ hộ kinh doanh lên hàng đầu. Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định. 

Về hướng giải quyết, Bộ trưởng cho biết Bộ đang đề xuất chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang bảo hiểm bắt buộc, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với trường hợp không có nhu cầu có thể chuyển sang bảo hiểm tự nguyện. Trường hợp cả người lao động lẫn cơ quan đều không đồng ý thì cần thoái thu, tính lãi bằng tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm.

Sẽ có những quy định xử lý vấn đề rút BHXH một lần hiệu quả nhất

Phát biểu chất vấn, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, làn sóng rút BHXH một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật BHXH. Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là sự bất an đối với đối với sự ổn định của chính sách. Do đó, đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ giải pháp xử lý vấn đề này?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500 ngàn, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900 ngàn. Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút BHXH một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút BHXH một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện hiệu quả…

Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút BHXH một lần hiệu quả nhất.

Các chính sách an sinh đến với người dân một cách nhanh nhất

Phát biểu chất vấn, đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2023 là năm bản lề của việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để triển khai tốt công tác an sinh xã hội trong năm 2023 và thời gian tới?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long.

Trả lời chất vấn nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác an sinh xã hội đã có nhiều cố gắng trong thời gian vừa qua. Trong 3 năm qua, đã tiến hành hỗ trợ 68 triệu lượt người. Chưa bao giờ các địa phương, các ngành làm tốt công tác an sinh như thời gian qua. Các chính sách đến với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, ít tiêu cực nhất. 

Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, cần dự báo được tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến đời sống, bộ phận lao động chuyển sang tuổi hưu. Bộ cũng đã có nghiên cứu để đưa ra những chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua…

Vũ Cảnh