Theo cơ quan chủ trì xây dựng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 9 chương, 133 điều. Trong đó, liên quan đến các chế độ bảo hiểm xã hội, theo dự thảo Luật quy định bao gồm:
1. Trợ cấp hưu trí xã hội.
2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây: a) Ốm đau; b) Thai sản; c) Hưu trí; d) Tử tuất; e) Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây: a) Thai sản; b) Hưu trí; c) Tử tuất; d) Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
4. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định về các nguyên tắc bảo hiểm xã hội. Cụ thể, mức hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Việc thực hiện bảo hiểm xã hội phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Về chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật nêu rõ: Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; bảo đảm chi trả trợ cấp hưu trí xã hội.
Bảo hộ quỹ bảo hiểm xã hội và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ; hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện khả năng cân đối ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội cao hơn.
Ưu tiên xây dựng chính sách, hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; đồng thời, khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội.
Sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội không đúng quy định pháp luật; truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội.
Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về bảo hiểm xã hội; xuyên tạc về chính sách bảo hiểm xã hội.
Cộng tác, bao che, giúp sức cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội hoặc cản trở người khác thực hiện nghĩa vụ đóng, không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về bảo hiểm xã hội; trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.