BHXH Việt Nam vừa báo cáo Bộ LĐ-TB&XH liên quan tới thực hiện chính sách BHXH, BHTN với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới, vùng kinh tế khó khăn. Theo BHXH Việt Nam, hiện chính sách BHXH, BHTN không phân biệt về dân tộc. Do vậy, người lao động bất kể dân tộc nào, đều có quyền tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN như nhau.

leftcenterrightdel
 Người lao động bất kể dân tộc nào, đều có quyền tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN như nhau. Ảnh minh hoạ.

Về chính sách hỗ trợ đóng, năm 2012, Chính phủ có Quyết định 42/2012/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN phần trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động cho người lao động dân tộc thiểu số được tuyển dụng; áp dụng với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông – lâm - thủy sản. Thời gian hỗ trợ đóng là 5 năm cho mỗi lao động được tuyển và sử dụng.

BHXH Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 624.800 người dân tộc thiểu số tham gia BHXH bắt buộc, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022; tham gia BHXH tự nguyện hơn 122.300 người, tăng gần 103% so với cùng kỳ; tham gia BHTN trên 549.100 người, tăng 1,6%.

Trong đó, tại 25 tỉnh có đường biên giới đất liền, người dân tộc thiểu số tham gia BHXH bắt buộc trên 216.900 người; tham gia BHXH tự nguyện trên 70.100 người; tham gia BHTN trên 172.600 người.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2023, BHXH Việt Nam đã giải quyết chế độ hưu trí cho hơn 2.400 người dân tộc thiểu số; giải quyết hưởng BHXH một lần cho hơn 43.700 người; giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần cho 1.000 người; giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho trên 72.500 người; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trên 30.500 người.

Với khu vực của 25 tỉnh biên giới, có 1.390 người dân tộc thiểu số được giải quyết lương hưu trong 9 tháng đầu năm 2023; hơn 19.700 người nhận BHXH một lần; hơn 16.000 người nhận chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức; trả trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.200 người…

Theo BHXH Việt Nam, ngành BHXH luôn chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong đề xuất hoàn thiện và thực thi chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia, trong đó có người dân tộc thiểu số.

BHXH Việt Nam kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét trình cấp thẩm quyền bổ sung nhóm ngân sách hỗ trợ đóng BHXH, BHYT, BHTN với hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các vùng núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Bảo Hân