Mới đây, Công an TP Hà Nội đã khởi tố Tống Văn Vịnh (Phó giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh) và 8 bị can khác về các tội Cưỡng đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc.

Trong vụ việc trên, được biết, bà M. (quê Vĩnh Phúc) đã bán khoản nợ 2,5 tỉ đồng với anh Đ.T.A (Giám đốc công ty tin học ở Hà Nội) cho phía Hưng Thịnh Hà Nội sau khi đòi nợ không thành. Vịnh chỉ đạo và trực tiếp cùng các bị can đến nhà anh T.A. đe dọa, chửi bới để gây sức ép buộc bị hại trả khoản tiền 2,5 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Chiếc xe ô tô của Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh với dòng chữ "nơi tài chính hồi sinh".

Vịnh đã yêu cầu anh T.A. viết giấy nợ 1,5 tỉ đồng, hẹn trả trước 200 triệu đồng và mỗi tháng tiếp theo phải trả 100 triệu đồng. Ngày 31/10, khi Vịnh cùng đàn em đến nhà anh T.A đòi nợ, viết phiếu thu tiền và nhận 50 triệu đồng thì bị lực lượng công an bắt giữ.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, bà M. và Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh Hà Nội chỉ ký hợp đồng giả cách, không thanh toán tiền mua nợ. Các bị can đã sử dụng hợp đồng mua bán nợ để hợp pháp hóa việc đi đòi tiền, bản chất là đòi nợ thuê, khi đòi được tiền thì ăn chia theo tỷ lệ 50/50.

leftcenterrightdel
 Nhóm đối tượng của Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh bị lực lượng công an bắt giữ.

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, việc cơ quan điều tra tiến hành khởi tố các bị can với tội danh Cưỡng đoạt tài sản là có cơ sở. Vịnh cùng các bị can đã đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần anh T.A. nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi đòi nợ thuê có tổ chức và có tính chuyên nghiệp, khoản tiền cưỡng đoạt lại có giá trị lớn. Theo Điều 170 BLHS 2015 sửa đổi, các bị can có thể đối diện mức án cao nhất lên tới 20 năm tù và bị phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện có yếu tố bạo lực hoặc phía bị can có sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác để chiếm đoạt tài sản của bị hại thì tội danh có thể bị chuyển thành tội Cướp tài sản theo Điều 168 BLHS 2015.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, hành vi đánh bạc có thể bị phạt tù tối đa 3 năm và nộp phạt 50 triệu đồng (Điều 321). Cá nhân có hành vi tổ chức đánh bạc có thể bị phạt tới 10 năm tù, tịch thu tài sản (Điều 322)

Về phía người thuê công ty đòi nợ, Luật sư Hồng Vân cho rằng, nếu cá nhân này chỉ thỏa thuận thuê Công ty Hưng Thịnh đòi nợ bằng các cách thức bình thường nhưng công ty này lại tự ý dùng phương thức đe dọa, cưỡng ép con nợ đưa tài sản thì chủ nợ không phải là đồng phạm với các bị can trong vụ cưỡng đoạt tài sản.

Còn nếu chủ nợ biết rõ phương thức đòi nợ của Công ty Hưng Thịnh nhưng vẫn đồng ý và để mặc cho hậu quả xảy ra thì có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ngoài ra, do hợp đồng bán nợ mà chủ nợ ký với công ty mua bán nợ là hợp đồng dân sự giả tạo để che giấu giao dịch thực sự là đòi nợ thuê nên theo Điều 124 BLDS 2015, hợp đồng này vô hiệu.

Bên cạnh đó, hoạt động đòi nợ thuê bị pháp luật cấm và theo Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê có thể phải nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hoạt động đòi nợ thuê - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo ANTĐ