Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung – Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Nguyễn Thị Thúy Chung – Công ty Luật TNHH Hùng Thắng.

Hành vi của ba người con trong vụ việc trên không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức nghiêm trọng, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, mang tội bất hiếu đáng bị phê phán và cần phải lên án. Hành vi này có thể cấu thành tội “Giết người” theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể: Ba người con sử dụng xăng – chất cháy nguy hiểm, khi cháy có tốc độ lây lan nhanh và khó dập tắt – rải ra nền nhà, kéo mẹ vào trong nhà rồi đóng cửa và châm lửa. Đây là hành vi cố ý phạm tội bởi chủ thể của hành vi hoàn toàn có thể thấy trước được hậu quả chết người nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra. Đối với tội danh “Giết người” tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, chủ thể phạm tội có thể đối diện án phạt từ 12-20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Tuy nhiên trong sự việc trên, do nhiều yếu tố mà hậu quả chết người không xảy ra nên đây được coi là trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.”.

leftcenterrightdel
 Người dân bàng hoàng đưa các nạn nhân ra ngoài. Ảnh DV

Theo đó, khi quyết định hình phạt, nếu bị cáo bị tuyên hình phạt là chung thân hoặc tử hình thì mức phạt cuối cùng giảm xuống còn không quá 20 năm; nếu hình phạt bị tuyên là phạt tù có thời hạn thì mức phạt cuối cùng giảm xuống còn không quá ba phần tư thời hạn đó.

Ngoài ra, hành vi của ba người con gái trong sự việc trên còn có thể cấu thành tội danh “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định” tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, hủy hoại tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; hủy hoại tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 2-7 năm; Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Để xác định chính xác và rõ ràng các tình tiết của vụ việc, cần chờ kết quả điều tra và các kết luận giám định của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức nghiêm trọng của một bộ phận người dân trong xã hội hiện nay, không những không thực hiện tròn bổn phận của một người con mà còn đang tâm hủy hoại tài sản, xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của người sinh thành ra mình. Đây là một sự việc nghiêm trọng và cần xử lý nghiêm khắc để răn đe.

Hương My (T/h)