|
|
Công an TP Vinh, Nghệ An bắt giữ nhóm đối tượng với vỏ bọc "hầu đồng" để sử dụng ma túy vào cuối tháng 10/2022. (Ảnh: CANA). |
Nước ta là nước có nền văn hoá lâu đời, hằng năm có rất nhiều lễ hội văn hoá diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, đây cũng là nét đẹp của văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, một số lễ hội văn hoá, tôn giáo đã bị lợi dụng, “biến tướng” thành những hoạt động mê tín, dị đoan, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Bộ Công an cho tôi hỏi, những hành vi cụ thể nào được coi là xâm hại tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội? Pháp luật đã có quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các hành vi này chưa? (Người gửi Hoàng Khôi).
An ninh là trạng thái bình yên của xã hội, của Nhà nước, sự ổn định vững chắc của chế độ chính trị, xã hội, còn trật tự, an toàn xã hội được quan niệm như một trạng thái xã hội ổn định, bền vững có trật tự, kỷ cương trong đó mọi người được sống yên ổn trên cơ sở của các quy phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định. Trên thực tế, trong các lễ hội văn hóa đã xảy ra một số hành vi cụ thể xâm hại tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội như: tham gia, tổ chức đánh bạc; xem bói; phát tán tài liệu, vật phẩm liên quan tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, chống Đảng, Nhà nước; tụ tập, gây rối trật tự công cộng…
- Tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, có một số điều, khoản liên quan đến vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội lễ hội như sau:
+ Khoản 2 Điều 6: Người tham gia lễ hội có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự, an ninh; không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác...
+ Khoản 2 Điều 7: Ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội; xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội... theo quy định pháp luật.
+ Khoản 1 Điều 8: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền tạm ngừng tổ chức lễ hội trong trường hợp tổ chức lễ hội gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
+ Điều 21: Đối với hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính (đối với tổ chức); xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân); nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Do đó, việc xử lý hành vi xâm hại tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các lễ hội còn căn cứ vào các quy định pháp luật khác tại Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định số 159/2013/NĐ-CP; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Bộ luật Hình sự (Điều 318: Tội gây rối trật tự công cộng; Điều 320: Tội hành nghề mê tín, dị đoan; Điều 321: Tội đánh bạc)...