Bạn đọc Trang Đinh (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) hỏi: Em có đăng kí vay tiền trên một app, khi em cung cấp thông tin sau thì họ thông báo rằng em đã nhận được tiền trên app. Nhưng do em nhập sai số tài khoản, nên tiền không về được tài khoản ngân hàng, họ yêu cầu em phải chuyển một khoản phí để sửa lỗi và xử lý khoản vay. Họ còn nói, nếu em không chuyển phí hoặc không muốn vay nữa thì em vẫn phải trả nợ và trả lãi vay, vì tiền đã về được tài khoản trên app. Hiện tại, em rất lo lắng vì sợ bị lừa, không muốn chuyển tiền phí, không muốn vay nữa. Như vậy có phải là lừa đảo vay tiền qua app không̣?. Liệu hợp đồng em vay có hiệu lực hay không? Có phải trả lãi hay không? Xin quý báo trả lời giúp em.

leftcenterrightdel
 Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự.

Trao đổi với Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết:

Vay tiền qua app không còn là hình thức vay xa lạ hiện nay. Sự tiện lợi mà việc vay tiền qua app mang lại không gì có thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như nhanh chóng, thủ tục rút gọn nếu vay đúng nơi, đúng chỗ thì vẫn xuất hiện tình trạng vay tiền qua app nhưng không nhận được tiền – nói cách khác là lừa đảo. Như trường hợp của bạn đọc đã đưa ra, đó là một trong những thủ đoạn lừa đảo khi vay tiền qua app. Ngoài ra, có những trường hợp khi mình phát giác ra hành vi của họ là lừa đảo thì “bên cho vay qua app” sẽ đăng tải các thông tin “bóc phốt” người vay trên các trang mạng xã hội với những nội dung như người vay quỵt tiền hoặc vay tiền rồi bỏ trốn nhằm gây hoang mang tâm lý người vay…

Vậy, bị lừa vay tiền qua app có phải trả tiền gốc, tiền lãi không?

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 định nghĩa về hợp đồng vay tài sản như sau: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” Đối chiếu với trường hợp vay tiền qua app bằng các thủ đoạn được mô tả như trên, thực chất, tài sản vẫn chưa được tới phía người vay tiền qua app (không nhận được tiền), như vậy, không hình thành hợp đồng vay giữa hai bên, kết quả: không phát sinh quyền đòi lại tài sản, không phát sinh nghĩa vụ trả nợ giữa hai bên, nên không ai có quyền yêu cầu khách hàng hoàn trả số tiền “ảo” đó cùng với lãi suất. Do vậy, khi không nhận được tiền do app cho vay, đồng nghĩa với việc người dân cũng không có trách nhiệm phải trả nợ khoản vay này.

Pháp luật xử lý như thế nào với các trường hợp lừa đảo cho vay tiền qua app nhưng người vay không nhận được tiền?

Pháp luật không cấm các trường hợp cho vay tiền online qua app. Tuy nhiên, trường hợp lợi dụng việc vay tiền qua app để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý:

+ Đối với việc khủng bố người vay hoặc vay với lãi suất cao thì có thể bị xử lý với tội danh “Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” – Điều 201 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): "1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm...."

+ Đối với hành vi gọi điện thoại đe dọa, tung tin sai, bội nhọ người vay tiền có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh “Tội làm nhục người khác” theo Điều 155 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tùy theo tính chất mức độ và nếu có đủ căn cứ thì hành vi cố ý đưa tin hoặc cố ý loan truyền những thông tin không đúng sự thật với các nội dung xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của cá nhân có thể còn bị xử lý theo quy định của BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) như Tội vu khống được quy định tại Điều 156 với khung hình phạt tại khoản 1 phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

+ Đối với hành vi cho vay tiền nhưng không gửi tiền mà còn đòi nợ thì có thể bị xử lý với tội danh “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” – Điều 174 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

+ Đối với hành vi gọi điện thoại mà có căn cứ làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ về việc đó hoặc họ cho rằng hành vi đó có thể xảy ra thì có thể bị xử lý về Tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt tại khoản 1 là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, hành vi tung tin sai sự thật, giả mạo trên mạng xã hội sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP dưới hình thức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin; Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;  Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phải làm gì khi bị lừa vay tiền qua app?

Nếu bạn không may mắc bẫy lừa vay tiền qua app thì điều cần làm đầu tiên là tập hợp các tài liệu, chứng cứ như: Chụp lại màn hình những tin nhắn, đoạn hội thoại mà bạn đã trao đổi với những đối tượng kia hoặc số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, sao kê tài khoản ngân hàng mà bạn đã chuyển tiền do bị lừa để có căn cứ phục vụ cho công tác điều tra, xác minh tin báo tố giác, tội phạm của cơ quan có thẩm quyền. Yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông cho mình kiểm tra, xử lý các số điện thoại quấy rối.

Nếu các hành vi đó mà bản thân mình xác định rằng, nó gây ra cho mình tổn hại nặng nề về danh dự, uy tín, nhân phẩm thì cần phải ngay lập tức trình báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát… nơi mình cư trú. Với sự can thiệp này, các đường dây sẽ sớm bị triệt phá và không còn làm phiền đến bạn.

Tuấn Anh