Hôm 23/1, trên trang web của mình, Tổng thống Armenia, Armen Sarkissian, tuyên bố từ chức.

 “Tôi đã trăn trở từ rất lâu và quyết định từ chức Tổng thống sau khi làm việc hết mình trong 4 năm qua. Quyết định này không hề mang tính cảm xúc mà nó được thúc đẩy bởi một logic thực tế.”, tuyên bố của ông Sarkissian viết, nhấn mạnh: “Tổng thống không có các công cụ cần thiết để tác động đến các quá trình quan trọng của chính sách đối ngoại và đối nội trong những thời điểm khó khăn đối với người dân và đất nước”.

Ông Sarkissian (SN 1953), cựu Thủ tướng Armenia (11/1996 đến 3/1997), đảm đương vai trò Tổng thống từ đầu tháng 4/2018, sau khi được Quốc hội bầu trong nhiệm kỳ 7 năm. Ông đã bất đồng với Thủ tướng Nikol Pashinyan vào năm ngoái về một số vấn đề, bao gồm cả việc cách chức người đứng đầu lực lượng vũ trang.

Tại một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 12/2015, Armenia trở thành một nước cộng hòa theo nghị viện, quyền lực của Tổng thống bị cắt giảm đáng kể.

"Câu hỏi có thể nảy sinh là tại sao Tổng thống không thể tác động đến các sự kiện chính trị đã dẫn chúng ta đến cuộc khủng hoảng quốc gia hiện tại.”, ông bày tỏ; đề cập đến một nghịch lý, khi Tổng thống là người bảo đảm cho vị thế nhà nước nhưng không thực sự có bất kỳ công cụ thực sự nào… Tổng thống không thể tác động đến các vấn đề chiến tranh hay hòa bình; không thể phủ quyết những luật lệ không phù hợp; không thể sử dụng hầu hết khả năng của mình để giải quyết các vấn đề hệ thống về chính sách đối nội và đối ngoại. Các cơ hội của Tổng thống không được coi là lợi thế cho nhà nước, mà là mối đe dọa của các nhóm chính trị khác nhau,..

leftcenterrightdel
Tổng thống Armenia, Armen Sarkissian. Ảnh: Adrian Dennis/ Pool /Reuters.

Ông Sarkissian cũng bày tỏ lạc quan trước việc một ủy ban sửa đổi hiến pháp đã được thành lập: “Tôi hy vọng rằng cuối cùng những thay đổi Hiến pháp sẽ được thực hiện và tổng thống và chính quyền Tổng thống tiếp theo sẽ có thể hoạt động trong một môi trường cân bằng hơn.

Theo Hiến pháp của Armenia, Quốc hội tổ chức bầu cử Tổng  thống không sớm hơn 25 ngày và không muộn hơn 35 ngày sau khi chức vụ Tổng thống bị bỏ trống.

Chủ tịch Quốc hội là Quyền Tổng thống cho đến khi nguyên thủ quốc gia mới được bầu.

Armenia và Azerbaijan rơi vào cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ bắt đầu nổ ra từ cuối những năm 1980 trước khi Liên Xô tan rã, mà tâm cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh. Đây là vùng lãnh thổ tranh chấp được cộng đồng quốc tế xem là một phần của Azerbaijan, nhưng do Cộng hòa Artsakh tự xưng (hay Cộng hòa Nagorno-Karabakh) ở Nam Kavkaz quản lý với đa số dân tộc Armenia sinh sống, được thành lập trên cơ sở Khu tự trị Nagorno-Karabakh của  Azerbaijan.

Xung đột bùng phát trở lại từ ngày 27/9/2020 với các cuộc giao tranh ác liệt, gây đổ máu cho cả binh sĩ và dân thường, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi các bên liên quan giải quyết xung đột thông qua đàm phán.

Đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10/10/2020, sau cuộc đàm phán căng thẳng dưới sự trung gian của Nga mà ông Sarkissian không được tham gia, Armenia và Azerbaijan đã đồng ý ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh ở Nagorno - Karabakh. Theo thỏa thuận này, Azerbaijan giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ mà nước này đã mất trong một cuộc chiến vào đầu những năm 1990.

Kể từ đó, Armenia rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị khi các cuộc biểu tình kéo dài yêu cầu Thủ tướng Pashinyan, người tham gia cuộc đàm phán 3 bên, từ bỏ các điều khoản của thỏa thuận hòa bình, cho rằng, nó là sự nhượng bộ đối với Azerbaijan.

Văn Phong (Theo Reuters, TASS, President.am)