Hy vọng khép lại cuộc chiến dai dẳng hơn 30 năm
Sau cuộc gặp với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại Sochi, Nga, Tổng thống Putin cho biết, các bên đã đồng ý tạo cơ chế phân giới và phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan vào cuối năm nay.
Cuộc gặp ba bên của các nhà lãnh đạo Armenia, Azerbaijan và Nga với vai trò trung gian, diễn ra tại Sochi vào 26/11, thảo luận về việc giải quyết tình hình ở Nagorno-Karabakh.
"Chúng tôi đã thống nhất một số vấn đề mà tôi cho là then chốt. Trước hết là việc tạo ra các cơ chế để phân giới và phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan vào cuối năm nay. Tôi hy vọng điều này sẽ diễn ra càng sớm càng tốt. Không có trở ngại nào đối với việc tạo ra các cơ chế này.", ông Putin nói.
Tổng thống Nga cũng thông báo đã đạt được thỏa thuận về dỡ bỏ phong tỏa các hành lang vận tải, bao gồm đường sắt và đường bộ mà hai nước đã thiết lập ở các tuyến giao thông hành lang biên giới khi xung đột leo thang gần đây.
Một chi tiết đáng lưu ý, sau cuộc gặp, ông Putin đã tặng cành ô liu cho hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan, tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. “Tôi rất hy vọng những thỏa thuận hôm nay sẽ được thực hiện và sẽ tạo đà cho những bước tiếp theo trong quá trình bình thường hóa quan hệ ở Nam Kavkaz nói chung.", ông Putin nói sau cuộc hội đàm 3 bên ở Sochi.
|
|
Cuộc đàm phán ba bên giữa Tổng thống Liên bang Nga V.Putin với Tổng thống Azerbaijan I. Aliyev và Thủ tướng Armenia N. Pashinyan. Nguồn: Văn phòng Báo chí Tổng thống Nga/Sputnik. |
Biên giới Azerbaijan - Armenia “nóng” trở lại những tuần gần đây sau hơn một năm các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh ở Nagorno-Karabakh. Trao đổi hỏa lực ở khu vực biên giới hai nước đã gây thương vong đáng kể cho cả hai bên, xung đột nguy cơ leo thang.
Cả Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc đều ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế, giảm leo thang khẩn cấp và ngừng bắn hoàn toàn.
Nga một lần nữa trong vài trò trung gian hỏa giải đã kịp thời có những bước đi giúp thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn; tiếp đến là cuộc gặp trực tiếp ba bên và kết quả là đạt được một thỏa thuận phân định biên giới Azerbaijan - Armenia.
Nguồn gốc của xung đột
Nagorno-Karabakh có diện tích lịch sử 8.223 km², vốn là tỉnh tự trị được Liên Xô thành lập thuộc Cộng hòa Azerbaijan vào năm 1924, sau khi Azerbaijan và Armenia sáp nhập vào Liên Xô. Mặc dù nằm trọn trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng cư dân Nagorno-Karabakh chủ yếu là dân tộc Armenia.
Giai đoạn trước khi Liên Xô tan rã cuối những năm 1980, vấn đề tương lai của Nagorno-Karabakh trở thành nguồn cơn sự thù địch và xung đột bắt đầu giữa người Azerbaijan và người Armenia vào tháng 11/1988.
Tháng 12/1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, Karabakh và khu vực lân cận tổ chức trưng cầu dân ý về việc thành lập một quốc gia độc lập, đơn phương tuyên bố tách khỏi Azerbaijan ngày 6/1/1992. Cộng hòa Artsakh (tự xưng) ra đời, kiểm soát hầu hết lãnh thổ của tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh cũ và một số khu vực phụ cận bao quanh, tổng diện tích 11458 km². Hầu hết người Azerbaijan sống ở Karabakh đã tẩy chay sự kiện, cho rằng cuộc trưng cầu này là bất hợp pháp.
|
|
Vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh (màu đỏ) cùng các khu vực lân cận (màu đen xám) thuộc Cộng hòa Artsakh (tự xưng) xảy ra tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: GM. |
Sau cuộc trưng cầu dân ý, xung đột leo thang thành chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia. Ít nhất 30.000 người thương vong và ước tính khoảng 1 triệu người từ cả hai bên phải di tản vào cuối cuộc chiến năm 1993.
Azerbaijan và Armenia đạt được một lệnh ngừng bắn không chính thức vào tháng 5/1994 thông qua trung gian của Nga. Tuy nhiên từ đó, các cuộc đụng độ không thường xuyên giữa hai bên vẫn duy trì. Đỉnh điểm là xung đột bùng phát ngày 27/9/2020 với những cuộc giao tranh ác liệt.
Ngày 9/10/2020, sau 10 giờ đàm phán cẳng thẳng tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, Armenia và Azerbaijan đã đồng ý ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh kể từ ngày 10/10.
Tiếp đến, ngày 10/11/2020, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã ký một tuyên bố về việc chấm dứt chiến tranh ở Nagorno-Karabakh.
Trung tuần tháng 11/2021, các cuộc đụng độ khốc liệt giữa các lực lượng vũ trang của Armenia và Azerbaijan lại bùng phát tại các huyện biên giới của tỉnh Syunik, Armenia, gây thiệt hại nhân mạng của cả hai phía. Nga một lần nữa đứng ra làm trung gian hòa giải.