Tái diễn tranh chấp lãnh thổ
Hôm 17/11, truyền thông Nga dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, trong các cuộc đụng độ gần đây với Azerbaijan ở khu vực biên giới khiến 1 binh sĩ nước này thiệt mạng, 13 binh sĩ bị bắt, 24 binh sĩ khác mất tích chưa rõ số phận, hai vị trí chiến đấu bị mất.
Armenia cũng tuyên bố, phía Azerbaijan có 70 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương, 10 xe bọc thép và phương tiện chiến đấu các loại bị phá hủy; trong khi cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan xác nhận, 7 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ biên giới gần đây với Armenia.
Hôm 16/11, các cuộc đụng độ khốc liệt giữa các lực lượng vũ trang của Armenia và Azerbaijan đã nổ ra tại các huyện biên giới của tỉnh Syunik, Armenia. Yerevan tuyên bố, quân đội Azerbaijan bắt đầu xâm lược và nã pháo vào lãnh thổ của Armenia. Đường cao tốc quốc gia nối thủ đô Armenia với các khu vực phía nam của đất nước với Iran đã bị đe dọa.
Trong khi Baku đổ lỗi cho Yerevan, cáo buộc các lực lượng vũ trang Armenia gây ra một vụ khiêu khích; các binh sĩ Armenia đã tấn công các vị trí của Azerbaijan.
|
|
Vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh (màu đỏ) cùng 7 khu vực lân cận (màu đen xám) xảy ra tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: GM. |
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cho biết đã liên lạc với Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinian, kêu gọi “giảm leo thang khẩn cấp và ngừng bắn hoàn toàn” sau những diễn biến mới nhất ở biên giới hai nước.
"EU cam kết làm việc với các đối tác để vượt qua căng thẳng vì một Nam Caucasus thịnh vượng và ổn định.", ông Michel viết trên tweet.
Phó Phát ngôn Liên Hợp Quốc, Farhan Haq, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và giải quyết bất kỳ mối bất đồng nào một cách hòa bình thông qua đối thoại.
"Chúng tôi hy vọng hai bên tránh bất kỳ sự leo thang trở lại nào mà chúng tôi đã có trước đó.", ông Haq nhấn mạnh.
Hòa bình mong manh!
Trước tình hình leo thang xung đột ở biên giới Azerbaijan- Armenia, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã tổ chức các cuộc điện đàm với các đồng nghiệp ở Armenia và Azerbaijan.
“Với sự trung gian của phía Nga, các cuộc đàm phán đang được tiến hành để giải quyết tình hình và trao trả các binh sĩ Armenia bị bắt.”, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, lưu ý, thỏa thuận ngừng bắn giữa Yerevan và Baku sau các cuộc đụng độ biên giới gần đây hiện đang được tuân thủ và tình hình vẫn tương đối ổn định..
"Tính đến 10h ngày 17/11, tình hình ở khu vực biên giới phía đông, nơi diễn ra xung đột, tương đối ổn định, thỏa thuận ngừng bắn cơ bản được tuân thủ.", Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố.
|
|
Xung đột kéo dài tại Nagorno-Karabakh khiến hàng ngàn người thiệt mạng, cơ sở hạ tầng, nhà cửa bị tàn phá. Ảnh: Bloomberg. |
Hôm 17/11, Đại sứ Armenia tại Nga, Vardan Toghanyan, nói với Sputnik, tình hình đang ổn định sau cuộc đụng độ biên giới gần đây với Baku; lưu ý, Yerevan để ngỏ khả năng yêu cầu sự can thiệp từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, gồm 6 thành viên trong đó có Armenia, vốn có điều khoản quy định nghĩa vụ hỗ trợ trong trường hợp một thành viên bị đe dọa an ninh.
Tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan bắt đầu nổ ra từ cuối những năm 1980 trước khi Liên Xô tan rã, mà tâm cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh. Đây là vùng lãnh thổ tranh chấp được cộng đồng quốc tế xem là một phần của Azerbaijan, nhưng do Cộng hòa Artsakh tự xưng (hay Cộng hòa Nagorno-Karabakh) ở Nam Kavkaz quản lý với đa số dân tộc Armenia sinh sống, được thành lập trên cơ sở Khu tự trị Nagorno-Karabakh của Azerbaijan.
Xung đột bùng phát trở lại từ ngày 27/9/2020 với các cuộc giao tranh ác liệt, gây đổ máu cho cả binh sĩ và dân thường, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi các bên liên quan giải quyết xung đột thông qua đàm phán.
Đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10/10/2020, dưới sự trung gian của Nga, Armenia và Azerbaijan đã đồng ý ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh ở Nagorno - Karabakh. Tuy nhiên trên thực địa, thỏa thuận không được tôn trọng và xung đột vẫn tiếp diễn.