Hôm 17/11, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz, khi đang ở Berlin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lưu ý, Đức không phải là quốc gia duy nhất sản xuất máy bay chiến đấu và Ankara có các lựa chọn thay thế nếu nước này từ chối thương vụ máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon (Chiến binh châu Âu - Cuồng phong).

Trước đó hôm 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler thông báo, nước này đang xem xét mua 40 máy bay phản lực Eurofighter Typhoon, mặc dù Đức tỏ ra không “nhiệt tình” với ý tưởng này.

Tháng 6 năm ngoái, truyền thôngThổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, Ankara để mắt và bày tỏ việc quan tâm đến máy bay chiến đấu tấn công đa nhiệm thế hệ thứ 4 Eurofighter Typhoon, một sản phẩm hợp tác của Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ý, xem đó như một phương án khả thi để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của không quân nước này.

leftcenterrightdel
 Chiến đấu cơ tấn công đa nhiệm thế hệ thứ 4 Eurofighter Typhoon (Cuồng phong). Nguồn: BAESystemsAir.

Ankara cho rằng, Eurofighter Typhoon (vốn bay lần đầu tiên vào năm 1994 và đã được hiện đại hóa để trở thành một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trên thị trường, được xem có thể chống lại các mối đe dọa phát sinh cho đến những năm 2060), có thể giúp chống lại nhiều mối đe dọa, mang lại ưu thế trên không.

Eurofighter Typhoon là máy bay chiến đấu tấn công đa nhiệm hai động cơ, cánh tam giác của châu Âu, được sản xuất bởi tập đoàn Eurofighter Jagdflugzeug GmbH, liên doanh của EADS (Đức và Tây Ban Nha), BAE Systems (Anh) và Alenia Aeronautica (Ý).

Tập đoàn công nghiệp hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI), nơi đã sản xuất máy bay trực thăng, máy bay huấn luyện và máy bay không người lái (UAV), cũng đang thực hiện chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của nước này mang tên KAAN (tên cũ là TF-X). 

leftcenterrightdel
 Eurofighter Typhoon có cấu hình cánh tam giác. Nguồn: BAESystemsAir.

KAAN dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2028 với động cơ sản xuất trong nước.

Về dài  hạn, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu thay thế phi đội F-16 lỗi thời hiện có bằng máy bay thế hệ mới, bao gồm KAAN, vào những năm 2030.

KAAN là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không trong mọi thời tiết, hai động cơ, được trang bị các công nghệ và tính năng có trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Với ý định cải thiện sức mạnh của lực lượng không quân, vào tháng 10/2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị mua 40 máy bay phản lực F-16 do Lockheed Martin, Mỹ sản xuất, cùng gần 80 bộ thiết bị để hiện đại hóa số máy bay F-16 đời cũ mà Ankara đang sở hữu, một thỏa thuận được cho có trị giá 20 tỉ USD.

leftcenterrightdel
 Khả năng mang vũ khí của chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon. Ảnh: Alan Wilso.

Tuy nhiên cho đến nay, Mỹ vẫn nấn ná trong việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua hơn 100 máy bay phản lực F-35 của Mỹ, nhưng năm 2019, Washington đã loại nước này khỏi chương trình phát triển F-35 với tư cách nhà thầu cung cấp phụ tùng. Mỹ cũng từ chối chuyển giao F-35, sau khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi động thái của Mỹ là bất công và yêu cầu hoàn trả đặt cọc 1,4 tỉ USD.

Tháng 10/2021, Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo sẽ mua Su-57 và Su-35 của Nga nếu thỏa thuận mua F-16 từ Mỹ thất bại.

Moscow cũng từng đánh tiếng sẵn sàng bán cũng như hỗ trợ phát triển máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.

leftcenterrightdel
 Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhu cầu hiện đại hóa phi đội máy bay F-16 lỗi thời. Ảnh: Hurriyet. 

Liên quan đến cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Scholz, tại sự kiện này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp để chấm dứt thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở Gaza, khi Israel tiếp tục các cuộc tấn công nhắm vào các bệnh viện và cơ sở y tế,  cơ sở hạ tầng dân sự, trong bối cảnh dải đất  bị bao vây thiếu điện, nước, hệ thông tin liên lạc viễn thông bị cắt.

Ông Erdogan nói rằng, với tư cách là một người Hồi giáo ông phản đối các cuộc tấn công vào trẻ em và bệnh viện; lưu ý hành động này “không tồn tại” trong kinh thánh của người Do Thái.

Trong một diễn biến khác, gia đình của một số con tin đang bị nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas tại Gaza giam giữ đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Thổ Nhì Kỳ, đề nghị hỗ trợ để giải cứu con tin.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc họp báo chung tại Berlin ngày 17/11. Ảnh: Reuters.

Thư viết rằng, ông Erdogan là nhà lãnh đạo của một cường quốc trong khu vực, có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông cũng như trong thế giới Hồi giáo và hơn thế nữa. Với vị trí đặc biệt này, ông Erdogan có thể mang lại những hỗ trợ to lớn và hiệu quả giúp giải phóng con tin trong tình thế số phận của họ đang bị đe dọa.

Không giống như các đồng minh NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân ông Erdogan không coi Hamas là một tổ chức khủng bố, coi đó là một phong trào giải phóng của người Palestine, đúng như tên gọi của nhóm này.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ với Hamas, kể cả trong khi diễn ra cuộc xung đột xung quanh Gaza hiện nay, cũng là quốc gia thể hiện mạnh mẽ và kiên định sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh hướng tới một quốc gia độc lập của người Palestine.

Văn Phong (theo Dailysabah)